Hầu tước Sade đã trải qua gần nửa đời trong tù hoặc trại tâm thần, khiến ông trở thành nhân vật gây tranh cãi cực đoan. Napoleon Bonaparte đã giam ông mà không xét xử, trong khi Guillaume Apollinaire gọi ông là “linh hồn tự do nhất”. Mặc dù gia đình Sade giữ im lặng và danh xưng “hầu tước” trở nên ô uế, các nghệ sĩ siêu thực vẫn ca tụng ông là “Hầu tước Thần thánh”. Dù bị yêu hay ghét, không ai phủ nhận sự nguy hiểm của ông và tiểu thuyết “120 Ngày Ở Sodom” được coi là “câu chuyện dơ bẩn nhất từ trước đến nay”.
Sade đã đúng, và có lẽ luôn đúng, cho đến khi Pauline Réage xuất hiện với “Chuyện nàng O” vào năm 1954.
“Khi ‘O’ được phát hành ở Mỹ, một cây bút còn nguy hiểm hơn cả Hầu tước Sade,” một nhận định về Pauline Réage. Nhà xuất bản Grove Press đã lên kế hoạch xuất bản những cuốn sách trần trụi của Miller, Burroughs, và tất nhiên, của Sade, trước khi ra mắt “Chuyện nàng O”.
Khi Hầu tước Sade, Gustave Flaubert, Henry Miller hay D.H. Lawrence viết về tình dục, những gì họ viết đã đủ để làm những người đứng đắn phải nhăn nhó, những người đoan chính phải hoảng hốt, và những người đạo đức phải chướng tai. Nhưng họ là đàn ông, và sự suy đồi ở đàn ông không thể chấp nhận nhưng được phép. Còn Pauline Réage là một phụ nữ, và không có đồng minh. Với những người phụ nữ truyền thống, “Chuyện nàng O” là một tác phẩm bẩn thỉu. Với những người phụ nữ cấp tiến, đó là một tiểu thuyết nhục nhã.
“Chuyện nàng O” từ đầu đến cuối là tường thuật chi tiết về đời sống tình dục của một phụ nữ. Trang đầu tiên, sau một buổi hẹn hò, O và người tình lên taxi, rồi bất ngờ, người tình yêu cầu O cởi từng món đồ, giao nàng đến một lâu đài nơi nàng học cách quy phục. Và ở trang cuối, O được gợi ý ở lại lâu đài làm gái điếm. Một câu chuyện khiêu dâm hoàn toàn về tình dục, vì tình dục, tôn thờ tình dục, nơi toàn bộ các nhân vật bị quy giản về những phấn hứng, khoái cảm và dục vọng, và chúng là trọng tâm trong sự tồn tại của họ.
O là một cuộc cách mạng so với nàng Justine của Sade. Justine là nạn nhân bị vần vò bởi những thầy tu và quý ông, còn O là nạn nhân chủ động, một nô lệ cầu cạnh được tẩy não. Nếu có giấc mơ tình dục nào ở đây, đó là giấc mơ của O, dù chúng giống những cơn ác mộng. Justine đi theo đức hạnh nhưng bị đức hạnh phản bội, còn O tin rằng sự phục tùng của nàng là biểu hiện tối cao của đức hạnh.
Tôi bạo gan cho rằng không nên so sánh O với Justine, mà nếu có một hình tượng đối trọng, ấy phải là Josef K. trong “Vụ án” của Franz Kafka. “Ai đó đã vu khống Josef K. nên anh bị bắt, dù chẳng làm điều gì sai.” – câu mở đầu của “Vụ án”. Cả hai tiểu thuyết đều bắt đầu bằng sự cố bất ngờ, và rồi O và K. bước vào thế giới với những quy tắc họ chưa từng biết. Cả O và K. đều bị nuốt chửng bởi hệ thống, một hệ thống mù lòa nhưng biết mọi thứ, không ai áp đặt, không ai ép buộc, không ai lách ra – như hệ thống trong “Vụ án”, hoặc không ai tìm cách lách ra – như hệ thống trong “Chuyện nàng O”. Josef K. bị rình rập bởi mọi người, mọi thứ đều thuộc về tòa án, mọi người đều biết về vụ án của anh trong khi anh lại mù mờ. O bị cưỡng đoạt và ngược đãi bởi đàn ông, đến lượt mình, cô ngược đãi phụ nữ khác, cô là tù nhân và cai ngục, những xiềng xích nối từ người này sang người khác, và tất cả canh gác lẫn nhau. Thế giới của O tưởng phóng đãng và buông thả, nhưng không ai nhúc nhích khỏi vị trí của mình, đàn bà quy phục đàn ông và đàn ông quy phục đàn ông ở địa vị cao hơn. Giống thế giới của K., nơi K. ảo tưởng rằng có tự do sau khi vụ án khép lại, tôi nghĩ ngay cả sau khi K. chết “như một con chó!”, nếu Kafka viết tiếp phần hai khi linh hồn K. lên thiên đường thì vụ án của anh vẫn chưa kết thúc.
Ngay cả cách đặt tên của O và K. cũng gặp nhau ở sự mơ hồ. K., một chữ cái Kafka thấy xấu xí và buồn nôn, nhưng giống ông. Còn O, không ai biết nghĩa là gì. Đó là cái tên không cá nhân, như hàng triệu phụ nữ nội trợ không tên, bị giải thể tư cách con người, bị vật hóa, bị đóng dấu, bị sở hữu, và hạnh phúc với điều đó.
Anne Cécile Desclos là một nhà báo và tiểu thuyết gia người Pháp, viết dưới bút danh Dominique Aury và Pauline Réage.
Réage nguy hiểm hơn cả Sade, có lẽ vì thế. Justine là cô nàng “đổ lỗi”, như Simone de Beauvoir nói. O không đổ lỗi cho ai, cô lựa chọn điều đó. Nhưng sự phó mặc và niềm vui thích trong sự tự hạ thấp mình nơi O chẳng phải chính là bản chất con người? Như ta vẫn quỳ trước Chúa và giao ban đời mình cho Chúa. Sự tự do không đáng thèm muốn, vì tự do là bơ vơ, không ai muốn chịu trách nhiệm cuối cùng và Chúa được tạo ra để gánh trên vai gánh nặng ấy.
Thú vị khi nghĩ về Kafka như người ghê tởm tình dục và sợ hãi vô căn cứ về bệnh giang mai hay mang thai ngoài ý muốn. Trong khi Pauline Réage có sức tưởng tượng vô tận về tình dục và tra tấn tình dục. Hai thái cực biến thái đối lập, nhưng cuối cùng gặp nhau: con người trong sự hiện hữu hoàn toàn bế tắc.
Sade từng viết, “dù Kinh thánh tuyên bố Sodom sẽ cháy mãi mãi, nhưng ngọn lửa ấy đã tắt từ lâu.” Cho nên, khi Simone de Beauvoir đặt câu hỏi “Chúng ta có buộc phải hỏa thiêu Sade không?”, chúng ta có lẽ đã có câu trả lời. Ngay cả có hỏa thiêu Sade, ngọn lửa ấy cũng sớm muộn sẽ tắt. Nếu có gì đó còn dai dẳng hơn cả sự trừng phạt của Chúa, đó là tội lỗi của con người.