Bản đồ hành chính Quận Gò Vấp TPHCM giúp chúng ta tra cứu vị trí địa lý, các ranh giới địa lý, hệ thống giao thông, địa hình của địa bàn Quận Gò Vấp chi tiết nhất.
Dưới đây, BANDOVIETNAM.NET tổng hợp tất tần tất các bản đồ hành chính Quận Gò Vấp khổ lớn, phóng to, giúp bạn tra cứu nhanh và chính xác.
Giới thiệu sơ lược Quận Gò Vấp
Gò Vấp là một quận nội thành nằm ở phía Bắc Thành Phố Hồ Chí Minh, với diện tích đất tự nhiên là 19,2km2, dân số khoảng 676.899 người, cách trung tâm thành phố khoảng 7km. Giáp ranh với quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Hóc Môn và Quận 12. Là cửa ngõ nối liền trung tâm thành phố với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh..; qua trục lộ Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Xa lộ Đại Hàn, tiếp cận phi trường Tân Sơn Nhất và đường xe lửa bắc Nam.
Quận Gò Vấp chia làm 16 đơn vị hành chính, gồm 16 phường: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17. Trong đó, phường 10 là nơi đặt trụ sở Ủy ban nhân dân và các cơ quan hành chính của quận.
Tiếp giáp địa lý: Quận Gò Vấp nằm ở phía Bắc của TPHCM, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp quận Bình Thạnh.
- Phía tây và phía bắc giáp Quận 12, ranh giới là kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên.
- Phía nam giáp các quận Phú Nhuận và Tân Bình.
+ Diện tích và dân số: Tổng diện tích đất tự nhiên của Quận Gò Vấp là 19,73 km² chủ yếu là người Kinh sinh sống, dân số năm 2019 khoảng 676.899 người. Mật độ dân số đạt 34.308 người/km².
Ý nghĩa của tên gọi: Theo wikipedia, Gò Vấp còn được gọi Gò Vắp và theo một số nhà nghiên cứu thì đây mới là tên gốc, tên hiện nay (Gò Vấp) là do đọc trại ra.
Có thuyết cho rằng nguồn gốc của tên Gò Vấp là do trước đây nơi này là một ngọn đồi trồng cây vấp (cây này còn có tên khác trong tiếng Chăm là Krai, tên tiếng Việt là vấp hoặc vắp, lùn).Hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh còn hai cây vấp trong Thảo Cầm Viên.
Một vài nguồn tin khác cho rằng, khu vực đất thuộc quận Gò Vấp cao hơn so với các vùng khác. Đây được gọi là gò đất. Do khu vực này là gò đất cao, cho nên dễ bị vấp té, kết hợp lại ta có tên Gò Vấp.
Tuy nhiên thì đây chỉ là giả thiết của một số người lớn tuổi và một số người khác. Hiện chưa có nguồn thông tin chính xác về tên gọi này, đây chỉ là giả thiết của một vài người dân Gò Vấp.
Bản đồ hành chính Quận Gò Vấp khổ lớn
Thông tin quy hoạch Quận Gò Vấp mới nhất
I. Tính chất, chức năng quy hoạch
Cơ cấu kinh tế của quận Gò Vấp trong tương lai là dịch vụ, công nghiệp.
Tính chất, chức năng: Quận Gò Vấp tiếp tục được xác định là quận có chức năng khu ở đô thị là chủ yếu, khai thác có hiệu quả quỹ đất hiện có, tăng diện tích đất dân dụng, giao thông, công trình phúc lợi công cộng và công viên cây xanh. Chú trọng tính chất mới là trung tâm thương mại dịch vụ nằm ở khu đô thị phía Bắc Thành phố, một trung tâm phụ trong hệ thống đa trung tâm của thành phố.
II. Quy hoạch phát triển không gian vùng tại Quận Gò Vấp
Quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng:
Phân bổ dân cư: định hướng mới quận Gò Vấp sẽ có 670.000 người gồm 2 cụm đô thị chia thành 4 khu vực như sau:
Cụm 1: (gồm khu vực 1 và 2). Là cụm đô thị trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ, thương mại. Cụm 1 chịu ảnh hưởng trực tiếp của sân bay Tân Sơn Nhất nên quy hoạch không gian sẽ bị hạn chế phát triển về chiều cao. Diện tích 942,89 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 317.000 người, trong đó:
- Khu vực 1: Gồm các phường 1, 3, 4, 5 và 7, là khu vực đô thị chỉnh trang với trung tâm phát triển sẽ là khu vực đất quốc phòng chuyển đổi, các khu vực chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (tên cũ là đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi – Vành đai ngoài thuộc địa bàn các phường 1, 3, 4) và đường Dương Quảng Hàm (tại phường 5). Diện tích 495,81 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 166.000 người.
- Khu vực 2: Gồm các phường 10, 17 và phường 6 (là phường mới, tách ra từ phường 17). Đây vẫn là khu vực trung tâm quận bao gồm trung tâm hành chính,văn hóa đã hình thành và trung tâm đô thị mới, thương mại, dịch vụ, … sẽ được hình thành từ đất quốc phòng chuyển đổi (tại phường 10). Diện tích 447,08 ha,dự kiến quy mô dân số khoảng 151.000 người.
Cụm 2: (gồm khu vực 3 và 4). Là cụm đô thị ở, quy hoạch cải tạo, phát triển tầng cao. Diện tích 1.032,96 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 353.000 người.
- Khu vực 3: Gồm phường 11 (có điều chỉnh ranh), 13, 15, 16. Đây là khu vực đô thị ở với trung tâm là khu đô thị mới Ấp Doi tại phường 12. Diện tích 468,94 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 163.000 người.
- Khu vực 4: Gồm phường 12 (điều chỉnh lại ranh), phường 8, 9 (là phường mới tách ra từ phường 11 và 12) và phường 14 (tách ra từ phường 12).Hiện là khu vực có tốc độ đô thị hóa phức tạp nhất, do vậy đây sẽ là khu vực dân cư mới, chú trọng quy hoạch cải tạo xây dựng, trung tâm phát triển sẽ là khu đô thị phường 14 dọc sông Bến Cát với quỹ đất phát triển là đất nông nghiệp và công nghiệp di dời, chuyển đổi. Diện tích 564,02 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 190.000 người.
Trung tâm quận, hệ thống công trình dịch vụ đô thị: Hệ thống trung tâm và các công trình dịch vụ của quận bảo đảm đủ các loại hình phục vụ thiết yếu cho dân cư, đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch, tuân thủ việc sử dụng khai thác các quỹ đất nông nghiệp,công nghiệp di dời và đất quốc phòng chuyển đổi. Từng bước tiếp tục biến chuyển, cải tạo từng khu ở, đơn vị ở qua đó xây dựng hoàn thiện hệ thống công cộng tương ứng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của đô thị. Đến năm 2030 quận Gò Vấp sẽ hoàn chỉnh ổn định về cơ cấu hệ thống công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, bao gồm:
Công trình hành chính: bao gồm trung tâm hành chính quận và các cơ sở hành chánh, trụ sở cơ quan phường xã, công trình hành chính tại 16 phường.
Thương mại – dịch vụ: bao gồm hệ thống thương mại dịch vụ tại các tuyến đường trung tâm: đường Quang Trung, đường Nguyễn Oanh-Nguyễn Kiệm, đường Dương Quảng Hàm; trung tâm thương mại Ngã Sáu, trung tâm thương mại Ấp Doi,trung tâm thương mại Hạnh Thông Tây, trung tâm thương mại phường 14 (khu công nghiệp phường 12 hiện nay), trung tâm thương mại phường 3, 7, 10. Ổn định chỉnh trang hệ thống chợ (chợ Gò Vấp, Xóm Mới, An Nhơn và Tân Sơn Nhất).
Giáo dục đào tạo: đảm bảo đủ quy mô, chỉ tiêu đất giáo dục theo định hướng phát triển của quy hoạch ngành theo Quyết định số 02/2003/QĐ-UB ngày 03 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố và quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học quận Gò Vấp đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp phê duyệt tại Quyết định 387/QĐ-UBND ngày 29/3/2011. Dự kiến nhu cầu đất giáo dục trên địa bàn quận 66,6 ha, chỉ tiêu bình quân 1,0 m2/người; trong đó mầm non: khoảng 15ha, tiểu học: khoảng 22,1 ha, trung học cơ sở: khoảng 16,2 ha, trung học phổ thông: khoảng 8,8 ha và dạy nghề khoảng 4,5ha.
- Tiến hành duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các công trình giáo dục hiện hữu.
- Xây dựng một số trường đảm bảo bán kính phục vụ và việc huy động số người trong độ tuổi đến trường.
- Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực hình thành các cơ sở giáo dục
Y tế: công trình cấp quận gồm bệnh viện quận Gò Vấp; cấp phường có các trạm y tế phường (xây dựng lại một số trạm y tế do di dời như phường 3, 5,15 và các trạm y tế mới phục vụ cho các phường mới được tách ra). Ngoài ra còn có một số bệnh viện tư nhân đang được triển khai. Tổng quỹ đất y tế xây dựng trong đợt khoảng hơn 3ha, hoàn thiện hệ thống y tế, đạt chuẩn quốc gia tất cả các cơ sở y tế, đối với trạm y tế, quy mô 500m2/trạm.
Văn hóa: Bổ sung các trung tâm văn hóa liên phường, có nhiều cụm văn hóa, nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các khu vực ở theo các cụm dân cư.
Thể dục thể thao: đạt chuẩn, đảm bảo chỉ tiêu theo quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở vật chất ngành thể dục thể thao thành phố đến năm 2030.
- Phát triển mạng lưới thể dục thể thao liên phường.
- Sân thể thao cơ bản, sân vận động và Trung tâm thể dục thể thao cấp quận theo tiêu chuẩn quốc gia.
Hệ thống các công trình công cộng cấp thành phố: Bao gồm Bệnh viện175, Làng trẻ em S.O.S với diện tích: 22,26 ha.
Các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp: Bao gồm trường văn thư lưu trữ, trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên thành phố, trường đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trường trung học biên phòng, trường đại học dân lập Văn Lang với diện tích: 10,73 ha.
Hệ thống cây xanh: Hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn quận bao gồm 3 nhóm chính:
- Cây xanh sử dụng công cộng: gồm các công viên lớn, tập trung gồm Công viên Gia Định phường 3 (cấp thành phố)quy mô khoảng 13,5 ha; công viên văn hóa quận thuộc phường 17 quy mô khoảng 37,08 ha; và cây xanh sử dụng công cộng được bố trí phân tán trong các đơn vị ở(được thể hiện cụ thể trong quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu);
- Cây xanh đường phố (cây xanh, thảm cỏ trồng trong phạm vi chỉ giới đường đỏ): quy hoạch cây xanh theo các tuyến đường chính, đường khu vực tạo thành mảng xanh liên hoàn cho đô thị;
- Cây xanh chuyên dụng: cây xanh cách ly hành lang tuyến điện, hành lang bảo vệ sông rạch;
- Công nghiệp, kho tàng: Điều chỉnh đất công nghiệp theo hướng giảm diện tích. Giữ đất công nghiệp tại phường 12 và phường 11 nhưng quy mô giảm còn khoảng 42,93 ha. Hạn chế phát triển và mở rộng các nhà máy xí nghiệp, kho tàng xen cài trong khu dân cư.
- Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm trạm trung chuyển rác tại phường 14 (phường 12 cũ) với diện tích 1,6 ha; 2 nhà tang lễ với tổng diện tích0,2 ha; nhà tang lễ trong khuôn viên bệnh viện 175 với diện tích 0,1 ha.
- Đất an ninh quốc phòng: Điều chỉnh đất an ninh quốc phòng theo hướng giảm diện tích so với quy hoạch chung của quận được duyệt năm 1998 do chuyển đổi sang chức năng đất hỗn hợp.
Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị:
Nguyên tắc tổ chức không gian:
- Quy hoạch theo định hướng giảm mật độ, tăng chiều cao, dành đất phát triển hạ tầng xã hội; ưu tiên xây dựng nhà cao tầng, kết hợp chức năng ở và các loại hình dịch vụ;
- Giữ nguyên hiện trạng các khu ở; chỉnh trang kết hợp giải tỏa xây dựng mới một số khu vực có giao thông phức tạp.
- Đối với các nút giao thông, đường dự phóng, mở rộng đường sắt: cần có quy hoạch chi tiết các khu vực xung quanh, kết hợp việc mở rộng đường và chỉnh trang giải tỏa khu vực lân cận, xây dựng các nhà cao tầng, dành quỹ đất cho công trình hạ tầng xã hội.
- Các công trình giáo dục, mảng xanh đô thị xen cài trong khu dân cư dự kiến đưa vào các khu vực chỉnh trang nêu trên.
Giới hạn trong việc đề xuất chiều cao xây dựng công trình: Giới hạn chiều cao cho các công trình xây dựng tại quận Gò Vấp phụ thuộc các yếu tố:
+ Quy định tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất: chiều cao xây dựng công trình trên địa bàn quận Gò Vấp nằm trong khu vực khống chế độ cao an toàn tĩnh không theo Nghị định số 20/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý,bảo vệ vùng trời tại Việt Nam; và Công văn số 1997/TM-Tg1 ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tổng tham mưu về việc thông báo và quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không và trận địa quản lý bảo vệ vùng trời khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Công năng sử dụng của công trình,diện tích đất xây dựng công trình.
+ Các giới hạn về an toàn của các hành lang kỹ thuật như tuyến cấp điện, kênh thoát nước, chiều rộng của tuyến giao thông …
Bố cục mặt bằng không gian đô thị: Theo định hướng phát triển các khu chức năng: các công trình dịch vụ – thương mại nằm theo các tuyến đường chính, quần thể các công trình nhà ở và phúc lợi công cộng nằm theo cụm, không gian toàn quận được định hướng chung như sau:
- Khu vực xây dựng cao tầng, hệ số sử dụng đất £ 6, tạo điểm nhấn cho toàn quận.
- Các trục đường: phát triển với hệ số sử dụng đất £ 4,2.
- Các cụm dân cư hiện hữu có hệ số sử dụng đất £ 4.
Các hình thức công trình xây dựng: Hình thức nhà ở liên kế: trong giai đoạn này nhà liên kế vẫn được duy trì và phát triển, vì vậy cần có các quy định cụ thể về hướng dẫn xây dựng để đảm bảo về thẩm mỹ kiến trúc công trình, hài hòa với cảnh quan chung của tuyến đường, không để các trục phố xây dựng một cách tự phát như hiện nay.
+ Hình thức công trình cao tầng đơn lẻ: cần đưa ra các quy định cho sự tương quan giữa công trình và các khu xung quanh (công trình đối với đường phố,đối với công trình lân cận).
+ Hình thức xây dựng cụm công trình: là quần thể công trình được xây dựng trên quy mô đất lớn, có các diện tích đất dành cho hạ tầng, cây xanh. Đây là mô hình cần khuyến khích.
Chọn khu vực dự kiến xây dựng các khu phức hợp, nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại – dịch vụ:
- Tập trung ở các khu vực được xác định quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp dọc trục đường Dương Quảng Hàm; đường Phạm Văn Đồng; dọc sông Bến Cát và trung tâm phường 12.
- Khu vực trung tâm ngã sáu Gò Vấp.
- Khu vực dự kiến phát triển chuyển đổi từ đất quốc phòng.
Tổ chức không gian đô thị cho các khu vực tiêu biểu:
a. Cửa ngõ đô thị: Cải thiện không gian, cảnh quan đô thị trở nên văn minh, hiện đại, đẹp và khang trang hơn, chú ý hình khối kiến trúc các công trình gây ấn tượng tạo điểm nhấn tại khu vực cửa ngõ về trung tâm thành phố qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng và đầu đường Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm. Khu vực này bắt đầu từ vòng xoay tại công viên Gia Định, tạo tầm nhìn đến 3 trục đường, trục chính là tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn và đường Nguyễn Kiệm. Điểm nhấn cho khu vực này là các công trình, biểu tượng xây dựng tại các khu đất thuộc phường 1, phường 3, phường 4. Tại khu đất phường 3, bố cục không gian với hệ số sử dụng đất thấp hơn 2 khu vực còn lại: £ 4,5, kết hợp quảng trường tạo khoảng lùivà tầm nhìn cho toàn khu vực. Tại khu vực phường 1 và phường 4, hệ số sử dụng đất £ 6.
b. Các trục không gian và tuyến phố chính: Trên địa bàn quận Gò Vấp các trục không gian và các tuyến phố chính bao gồm:
+ Trục không gian và các tuyến phố phát triển công trình kết hợp thương mại dịch vụ: trục đường Quang Trung, đường Nguyễn Oanh, đường Nguyễn Kiệm,đường Phan Huy Ích, đường Phạm Văn Chiêu, đường Lê Văn Thọ, đường Phan Văn Trị, đường Nguyễn Văn Lượng, đường Nguyễn Thái Sơn, đường Lê Đức Thọ, đường Nguyễn Văn Nghi, đường Lê Quang Định, đường Thống Nhất, và đường Phạm Ngũ Lão.
Không gian các tuyến phố chính của quận được xác định như sau:
- Các công trình xây dựng với chiều cao cho phép theo quy định trong giới hạn an toàn tĩnh không.
- Điểm nhấn cho các trục phố: công trình tại cửa ngõ đô thị và tại ngã Năm với hệ số sử dụng đất £6, mật độ £40%, những nơi này đề nghị xây dựng công trình với chiều cao tối đa.
- Các công trình dọc trục phố có hệ số sử dụng đất £ 4,5 – 2.
- Công trình 2 bên tuyến đường: chủ yếu gồm các hình thức xây dựng công trình: nhà liên kế xây dựng nhiều tầng có chiều ngang từ 3 ¸ 10m và nhà cao tầng chiều ngang ³ 10m, và quần thể tổ hợp công trình.
- Đối với nhà liên kế: tạo mảng khối cho cả dãy phố, có giải pháp về hình thức kiến trúc cụ thể cho từng khu vực, màu sắc công trình vật liệu sử dụng; khống chế cao độ từ lề đường đến ban công,chiều cao tầng, chiều cao công trình…
- Đối với nhà cao tầng và quần thể công trình: quy định về khoảng lùi,khoảng cách xung quanh đối với công trình lân cận; mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, hình thức kiến trúc, màu sắc,vật liệu sử dụng…
Các tuyến đường chính cần quan tâm đến thiết kế đô thị: Tuyến đường sắt Thống Nhất: từ Bình Triệu đến ga Hòa Hưng đi qua địa bàn Quận Gò Vấp. Đây là tuyến đường sắt quốc gia thành phố dự kiến chuyển thành tuyến đường sắt đô thị và đi trên cao, giao cắt khác mức với các tuyến đường bộ khác. Hai bên tuyến đường này chủ yếu là nhà liên kế, hệ số sử dụng đất £ 4,5 ¸ 2.
+ Tuyến đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài): là tuyến đường quan trọng của thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố đã duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường này (tại Quyết định số 3528/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2012). Hiện Sở Quy hoạch-Kiến trúc đang lập,thẩm định đồ án thiết kế đô thị. Do đó, việc hướng dẫn xây dựng các công trình,hay tổ hợp các công trình phải kết hợp với thiết kế đô thị của tuyến đường này.
+ Tuyến đường Quang Trung – Nguyễn Oanh: hiện trạng xây dựng 2 bên tuyến đường đã tương đối ổn định, nên trong giai đoạn ngắn hạn, vẫn phát triển hình thức nhà liên kế hoặc nhà cao tầng với quy mô nhỏ. Đối với các công trình xây mới, cần có quy định cụ thể về khoảng lùi, tầng cao, màu sắc, vật liệu…để tạo sự thống nhất trong mảng khối kiến trúc của trục đường.
+ Tuyến đường Nguyễn Kiệm: là tuyến đường quan trọng trong quy hoạch giao thông của thành phố, dự kiến cải tạo và mở rộng đúng lộ giới quy hoạch: 40m, dọc tuyến chủ yếu là các công trình hiện hữu ổn định và bệnh viện 175 tiếp xúc phần lớn chiều dài trục đường. Khi mở rộng lộ giới, cần nghiên cứu xem xét giải tỏa một số khu vực để xây dựng được các quần thể công trình lớn, đáp ứng được tiêu chí giảm mật độ tăng chiều cao mà đồ án đã đề xuất, đồng thời tránh tình trạng xây dựng quá nhiều nhà liên kế phố có diện tích nhỏ do mở đường trên các trục đường chính làm mất mỹ quan đô thị.
III. Quy hoạch giao thông tại quận Gò Vấp
3.1. Quy hoạch giao thông đô thị: Quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ có chức năng đối ngoại, nối kết các quận, khu vực kế cận gồm đường Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Minh Giám,đường dọc tuyến đường sắt và tuyến đường trên cao số 4 dọc theo hành lang đường T5.
Ngoài ra, còn có 4 tuyến đường vừa đảm nhận chức năng giao thông đối ngoại vừa đảm nhận chức năng giao thông đối nội gồm đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh,Quang Trung và Dương Quảng Hàm.
Quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ đối nội trên cơ sở các tuyến đường chính hiện hữu dự kiến nâng cấp cải tạo, mở rộng (đường Bạch Đằng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Thống Nhất, Phan Văn Trị,Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Thái Sơn, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Nghi và Lê Quang Định) kết hợp với việc xây dựng mới các tuyến đường chính, đường liên khu vực và đường khu vực như đường vào công viên Gia Định, đường dọc tuyến đường sắt, đường Dương Quảng Hàm nối dài, Nguyễn Văn Lượng nối dài, Nguyễn Thái Sơn nối dài, Tân Sơn nối dài, Trần Bá Giao nối dài,Cây Trâm nối dài, đường dọc sông Vàm Thuật-Bến Cát-Tham Lương và một số tuyến đường khác.
3.2. Giao thông công cộng:
Về giao thông đường sắt quốc gia: đoạn tuyến đường sắt Thống Nhất từ ga Bình Triệu đến ga Hòa Hưng đi qua địa bàn quận Gò Vấp được quy hoạch cải tạo, nâng cấp thành đường sắt đôi đi trên cao và giao cắt khác mức với các tuyến đường bộ.
3.3. Về giao thông đường sắt đô thị: Tuyến đường sắt đô thị số 4 (Thạnh Xuân – Nguyễn Văn Linh) đi theo hành lang đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Dương Quảng Hàm, Thống Nhất, dự kiến bố trí khoảng 1-2 ga chính tại vị trí đầu mối giao thông (ngã sáu Gò Vấp). Quy mô mỗi ga khoảng 0,5 – 1 ha.
+ Tuyến xe điện số 3 (tuyến monorail từ ngã 6 Gò Vấp đến ga Tân Thới Hiệp) đi dọc theo hành lang đường Quang Trung, dự kiến bố trí khoảng 1-2 ga chính tại vị trí đầu mối giao thông. Quy mô mỗi ga khoảng 0,5 – 1 ha.
+ Về phương án tuyến, vị trí và quy mô các nhà ga bố trí dọc tuyến sẽ được xác định cụ thể khi dự án được thực hiện, triển khai theo quy định.
3.4. Về giao thông thủy: Quy hoạch các tuyến sông kênh rạch trên địa bàn quận Gò Vấp có chức năng giao thông thủy theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 66/2009/QĐ- UBND ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.
3.5. Quy hoạch bến bãi: Trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007, quy hoạch bến bãi trên địa phận quận Gò Vấp gồm bãi đậu xe ô tô, bến bãi xe buýt và bến bãi xe taxi với quy mô diện tích tổng cộng 4,2ha.
- Bãi đậu xe taxi tại phường 15 (khu vực Ấp Doi) diện tích 1,2 ha
- Bãi đậu xe tại phường 14 (khu Công nghiệp) diện tích 1 ha
- Bãi đậu xe tại phường 12 (dọc đường Quang Trung) diện tích 0,05 ha
- Bãi đậu xe tại phường 8 (dọc đường Quang Trung) diện tích 0,05 ha
- Bãi kỹ thuật chuyên dụng xe buýt (bến hậu cần 1): 0,7 ha
- Bãi xe taxi tại phường 6 (khu công viên văn hóa quận Gò Vấp): 1,2 ha
Lưu ý: Quy hoạch đảm bảo hành lang bảo vệ cầu đối với cầu An Lộc và một số cầu bắc qua sông Vàm Thuật; đồng thời cần đảm bảo hành lang kênh Tham Lương-Bến Cát, sông Vàm Thuật.
Bên trên là những hình ảnh bản đồ Quận Gò Vấp khổ lớn, phóng to do đội ngũ BANDOVIETNAM.NET tổng hợp. Chúng tôi chúc bạn tìm được bản đồ khổ lớn cần tìm, chúc các bạn thành công hơn.