Bản đồ hành chính Quận Bình Thủy giúp chúng ta tra cứu vị trí địa lý, các ranh giới địa lý, hệ thống giao thông, địa hình của địa bàn Quận Bình Thủy chi tiết nhất.
Dưới đây, BANDOVIETNAM.NET tổng hợp tất tần tất các bản đồ hành chính Quận Bình Thủy khổ lớn, phóng to, giúp bạn tra cứu nhanh và chính xác.
Giới thiệu Quận Bình Thủy tại Cần Thơ
Quận Bình Thủy được thành lập theo Nghị định 05/2004/NĐ- CP ngày 02/1/2004 của chính phủ, có diện tích đất tự nhiên 67,20 km², chia làm 8 đơn vị hành chính, bao gồm 8 phường: An Thới, Bình Thủy, Bùi Hữu Nghĩa, Long Hòa, Long Tuyền, Thới An Đông, Trà An, Trà Nóc.
Trên địa bàn quận Bình Thủy có Bộ tự lệnh Quân khu 9, nhiều đơn vị của Trung Ương, Có cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng Hoàng Diệu, KCN Trà Nóc 1, Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế. Quận có 7 di tích lịch sử văn hóa, 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 01 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.
Tiếp giáp địa lý: Quận Bình Thủy nằm ở trung tâm của thành phố Cần Thơ thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý:
- Phía đông và phía bắc giáp huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long
- Phía tây giáp quận Ô Môn
- Phía nam giáp quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền.
+ Diện tích và dân số: Tổng diện tích đất tự nhiên của Quận Bình Thủy là 67,20 km², dân số năm 2020 khoảng 172.317 người. Mật độ dân số đạt 2.014 người/km².
Bản đồ hành chính Quận Bình Thủy năm 2022
Thông tin quy hoạch Quận Bình Thủy mới nhất
Theo Quyết định số 124/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích 7.113ha.
- Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long;
- Phía Nam giáp quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ;
- Phía Tây Nam giáp huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ;
- Phía Tây và Tây Bắc giáp quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Dân số đến năm 2030 là khoảng 200.000 người; đến năm 2050 là khoảng 263.000 người.
Quận Bình Thủy sẽ kết hợp và hỗ trợ cho đô thị quận Ninh Kiều hình thành Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy thuộc Khu đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ, theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Là một trong những trung tâm kinh tế; trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm văn hóa bảo tồn di tích lịch sử truyền thống của thành phố Cần Thơ; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải thủy nội vùng và liên vận quốc tế (đường bộ, đường thủy, đường hàng không). Vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh của thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Là đô thị có đặc thù cảnh quan sông nước, văn hóa đặc trưng miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với lịch sử hình thành và phát triển. Có vùng nông nghiệp đô thị, vùng đệm cảnh quan và môi trường của Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy. Phát triển kinh tế gắn với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái.
Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầu mối cấp thành phố, cấp vùng (cảng, sân bay quốc tế, hệ thống giáo dục - đào tạo chất lượng cao). Phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao. Hình thành nên các khu vực: Trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, hậu cần công nghiệp và cảng, du lịch, giáo dục - đào tạo.
Quận Bình Thủy phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quận Bình Thủy được quy hoạch chia thành 6 phân khu:
Khu BT-01: Diện tích khoảng 1.040,16ha; dân số đến năm 2030 là khoảng 32.400 người; đến năm 2050 là khoảng 43.200 người; chức năng là khu vực phát triển đô thị mới thuộc một phần khu đô thị Ô Môn-Trà Nóc theo quy hoạch chung thành phố Cần Thơ, phát triển đô thị gắn với công nghiệp, giáo dục, y tế,… tạo vùng đệm xanh, gắn với khu làng xóm hiện hữu với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề phát triển du lịch.
Khu BT-02: Diện tích khoảng 1.461,18ha; dân số đến năm 2030 là khoảng 32.200 người, đến năm 2050 là khoảng 43.000 người. Chức năng chính là phát triển loại hình dịch vụ gắn với sân bay quốc tế Cần Thơ như dịch vụ logistics hàng không, cụm công nghiệp và cảng sông, phát triển các công trình dịch vụ, thương mại, gắn với các khu ở mới và khu hiện hữu cải tạo, chỉnh trang.
Khu BT-03: Diện tích khoảng 1.209ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 46.300 người và đến năm 2050 khoảng 61.800 người. Chức năng là Khu trung tâm hiện hữu tập trung các hoạt động hành chính, chính trị, giáo dục, y tế… của quận Bình Thủy, phát triển các dịch vụ, thương mại, hỗn hợp, phát triển khu ở mới, cải tạo chỉnh trang khu hiện hữu thành khu ở mới đồng bộ hạ tầng, gắn với giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của địa phương, tạo vùng đệm xanh, gắn khu làng xóm hiện hữu với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề phát triển du lịch.
Khu BT-04: Diện tích khoảng 1.929,11ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 60.400 người, đến năm 2050 khoảng 80.700 người. Chức năng là khu vực phát triển các khu ở mới, các khu vui chơi, giải trí, hình thành các khu dịch vụ, thương mại, hỗn hợp, gắn với các vùng đệm xanh, khu làng xóm hiện hữu với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề phát triển du lịch, tạo gắn kết giữa khu đô thị Ninh Kiều với quận Bình Thủy.
Khu BT-05: Diện tích khoảng 533,7ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 23.400 người; đến năm 2050 là 28.300 người. Chức năng là khu vực đô thị hiện hữu của quận, được tập trung cải tạo, chỉnh trang hình thành các khu ở mới đồng bộ về hạ tầng, phát triển dịch vụ hỗn hợp gắn với không gian dọc sông Khai Luông và khu đô thị mới cồn Khương kết nối với quận Ninh Kiều.
Khu BT-06: Diện tích khoảng 940,39ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 5.300 người và đến năm 2050 khoảng 6.400 người. Chức năng là khu vực mang đặc thù cảnh quan sông nước dọc sông Hậu và Khai Luông, hình thành khu đô thị mới (tại cồn Khương), phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, cộng đồng (khu vực cồn Sơn, cồn Ngang).
Theo đó, không gian kiến trúc, cảnh quang và thiết kế đô thị tại khu vục hiện hữu sẽ tập trung các công trình dịch vụ - công cộng cấp thành phố, cấp quận, đơn vị ở bao gồm các chức năng chính: Thương mại, dịch vụ, y tế, văn hóa, hành chính và công trình công cộng hỗn hợp khác, được nâng cấp, cải tạo chỉnh trang, khi triển khai các quy hoạch chi tiết được rà soát, khoanh vùng các khu vực còn quỹ đất trống để bổ sung các công trình dịch vụ công cộng phục vụ đô thị đảm bảo bán kính phục vụ, phù hợp không gian chung và chức năng riêng từng công trình. Kiểm soát xây dựng các tuyến phố về kiến trúc, khoảng lùi theo quy định. Khuyến khích phát triển các dịch vụ thương mại một số tuyến phố để tăng sự sôi động cho không gian sinh hoạt đô thị.
Khu vực phát triển mới: Bố trí các công trình kiến trúc thấp tầng và cao tầng, hiện đại hình thành khối đơn giản, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp công năng, tạo điểm nhấn và chuyển tiếp trong không gian đô thị, hình thái kiến trúc phù hợp với đặc trưng địa hình của khu vực, khuyến khích giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao xây dựng, đảm bảo tỷ lệ không gian xanh, không gian mở làm không gian chuyển tiếp công trình và không gian đường phố.
Các trục đường chính, không gian mở và điểm nhìn quan trọng:
Trục cảnh quan chính đô thị: đường Võ Văn Kiệt, đường nối hẻm 91 đến đường tỉnh 918, đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Lê Hồng Phong, đường Huỳnh Phan Hộ,… Mặt đứng trục đường được tạo bởi hiện diện của công trình dịch vụ thương mại, hỗn hợp. Các công trình kiến trúc bố trí theo hướng cao tầng giáp với trục đường chính.
Trục cảnh quan ven sông là không gian mở có ý nghĩa về cảnh quan, sinh thái và chức năng kết nối quan trọng. Định hướng từng bước giải tỏa khu vực dân cư dọc sông Bình Thủy, sông Trà Nóc, sông Hậu, sông Khai Luông… tổ chức phân khu chức năng như khu vực động cho các hoạt động vui chơi giải trí và khu vực tĩnh cho nghỉ ngơi, thư giãn.
Thông tin cơ bản Quận Bình Thủy
Nguồn gốc địa danh Bình Thủy và Long Tuyền
Thuở xa xưa, Long Tuyền có tên là Bình Hưng, sau đổi lại là Bình Phó. Nguồn nước sông trong lành suốt khu vực từ Cồn Linh cho đến xã Thới Bình, sông sâu mà không có sóng to gió lớn. Theo tư liệu tại Bảo tàng Hậu Giang (Cần Thơ), trào Tự Đức thứ 5 (1852), quan Khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một chiếc hải thuyền vừa đến Cồn Linh thì gặp một trận cuồng phong dữ dội, cả thuyền ai nấy hoảng sợ. Quan khâm sai cho thuyền nấp vào con rạch yên ổn, qua cơn sóng to gió lớn, quan đại thần bèn mở cuộc vui chơi ba ngày cùng dân làng và đổi tên nơi nầy là Bình Thủy.
Đổi tên gọi Bình Thủy vì quan Khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt nhận xét thấy địa thế nầy tốt đẹp, yên lành; ngọn rạch thường yên lặng, không hề có sóng to gió lớn, hoa màu thịnh vượng, dân lạc nghiệp an cư.
Năm Giáp Thìn 1906, trong một buổi họp mời đông đủ thân hào nhân sĩ tại công sở bàn việc đổi tên làng, Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận (người làng Bình Thủy) đã đề nghị: Cuộc đất chúng ta đang ở rất tốt. Con rạch thì nguồn nước chảy uốn khúc như rồng nằm, miệng ngậm trái châu là cồn án ngang rạch. Lại có bốn chân: hai chân trước là hình thế rạch Ngã Tư lớn và Ngã Tư bé ngang nhau; hai chân sau là rạch Miếu Ông và rạch Cái Tắc ngang nhau. Cái đuôi uốn khúc nằm vắt qua làng Giai Xuân. Địa hình địa cuộc đã trổ ra như thế, tôi muốn đặt tên làng lại là Long Tuyền.... Cai tổng Lê Văn Noãn phụ họa: chữ Long Tuyền thật đầy ý vị. Nhưng hai chữ Bình Thủy cũng khá hay. Ý tôi muốn giữ lại cái tên Bình Thủy cho chợ nầy, và dùng chữ Long Tuyền để chỉ toàn xã thì chẳng gì bằng....
Mọi người có mặt vỗ tay đồng ý. Và vùng đất nầy mang tên Bình Thủy - Long Tuyền mãi đến sau nầy.
Về sau, do tình hình phát triển mở rộng thành phố Cần Thơ, và do dân cư đông đúc, địa giới hành chánh được phân bổ lại nên Long Tuyền - Bình Thủy được tách ra và lập nên phường xã riêng: Phường Bình Thủy và xã Long Tuyền.
Vùng đất Long Tuyền - Bình Thủy xưa kia hiện nay tương ứng với các phường An Thới, Bình Thủy, Bùi Hữu Nghĩa, Long Hòa, Long Tuyền. Riêng các phường Thới An Đông, Trà An và Trà Nóc trước đây cùng thuộc địa bàn làng Thới An Đông (sau năm 1956 là xã Thới An Đông).
Thời phong kiến
Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất quận Bình Thủy ngày nay chính là địa bàn thôn Bình Thủy và thôn Thới An Đông. Hai thôn này ban đầu cùng thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), hai thôn Bình Thủy và Thới An Đông vẫn thuộc tổng Định Thới, tuy nhiên lại chuyển sang thuộc sự quản lý của huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Thời Pháp thuộc
Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Ngày 1 tháng 1 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ là Bonard quyết định đặt huyện Phong Phú thuộc hạt Sa Đéc, đồng thời lập Toà Bố tại Sa Đéc. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Đéc gồm có 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú. Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành hạt mới lấy tên là hạt Trà Ôn, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Ngày 5 tháng 1 năm 1876, các thôn đổi thành làng. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt tham biện Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ.
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, tất cả các hạt tham biện ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Cần Thơ. Tổng Định Thới ban đầu trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1906, làng Bình Thủy lại đổi tên thành làng Long Tuyền. Mặc dù không còn được dùng chính thức trong các tên gọi đơn vị hành chính, tuy nhiên địa danh "Bình Thủy" vẫn được giữ lại để chỉ tên ngôi chợ trong địa phận làng, gần khu vực cầu Bình Thủy và Đình Bình Thủy.
Năm 1918, thực dân Pháp thành lập quận Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ. Từ đó, tổng Định Thới trực thuộc quận Ô Môn. Về sau, làng Long Tuyền cũng được giao về cho tổng Định Bảo thuộc quận Châu Thành cùng thuộc tỉnh Cần Thơ quản lý, riêng làng Thới An Đông vẫn thuộc tổng Định Thới, quận Ô Môn như cũ.
Giai đoạn 1956-1976
Việt Nam Cộng hòa
Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Ban đầu, Ô Môn vẫn là tên quận thuộc tỉnh Phong Dinh. Đến ngày 16 tháng 10 năm 1958, quận Ô Môn đổi tên thành quận Phong Phú. Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Thời Việt Nam Cộng hòa, xã Long Tuyền vẫn thuộc quận Châu Thành; xã Thới An Đông vẫn thuộc quận Ô Môn và sau đó là quận Phong Phú như cũ.
Thời Việt Nam Cộng hòa, mặc dù cũng không được dùng chính thức trong các tên gọi đơn vị hành chính cấp xã hoặc quận, tuy nhiên địa danh "Bình Thủy" cũng được sử dụng rộng rãi để chỉ tên gọi vùng đất thuộc địa bàn ấp Bình Lạc, xã Long Tuyền. Bên cạnh đó, địa danh "Trà Nóc" được dùng để chỉ tên gọi vùng đất gần khu vực cầu Trà Nóc và Khu kỹ nghệ Tây Đô (ngày nay là Khu công nghiệp Trà Nóc) vốn thuộc địa bàn xã Thới An Đông.
Ngày 30 tháng 9 năm 1970, theo Sắc lệnh số 115-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm, thị xã Cần Thơ được chính thức tái lập và là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh. Khi đó, ấp Bình Nhựt thuộc xã Long Tuyền được giao cho thị xã Cần Thơ quản lý và được đổi lại thành phường An Thới thuộc quận 1 (quận Nhứt), thị xã Cần Thơ. Các ấp còn lại vẫn thuộc xã Long Tuyền, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh cho đến năm 1975.
Chính quyền Cách mạng
Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Phong Dinh mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ, đồng thời vẫn duy trì tên gọi huyện Ô Môn trực thuộc tỉnh Cần Thơ như cũ trong giai đoạn 1956-1976. Lúc bấy giờ, phía chính quyền Cách mạng cũng gọi vùng đất quận Châu Thành thuộc tỉnh Phong Dinh bằng danh xưng là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ, còn quận Phong Phú thuộc tỉnh Phong Dinh thì gọi là là huyện Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ.
Về phía chính quyền Cách mạng, huyện Ô Môn ban đầu vẫn quản lý xã Thới An Đông như cũ. Về sau, xã Thới An Đông lại được giao về cho huyện Châu Thành cùng thuộc tỉnh Cần Thơ quản lý.
Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hình thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9, là đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng với tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì các đơn vị hành chính cấp quận, phường và khóm bên dưới giống như phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến đầu năm 1976.
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Lúc này, ở khu vực thành phố Cần Thơ, chính quyền Cách mạng cho thành lập mới phường Bình Thủy, đồng thời giải thể phường An Thới cũ và sáp nhập vào địa bàn phường Bình Thủy.
Giai đoạn 1976-2003
Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới với tên gọi là tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, quận 1 (quận Nhứt) cũng bị giải thể, các phường xã trực thuộc thành phố do thành phố Cần Thơ lúc này chuyển thành thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[6] về việc chia một số phường xã thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Lúc này vùng đất Long Tuyền - Bình Thuỷ có những thay đổi như sau:
Chia phường Bình Thuỷ thành hai phường lấy tên là phường Bình Thuỷ và phường An Thới (gồm cả Cồn Sơn).
Chia xã Long Tuyền thành hai xã lấy tên là xã Long Hoà và xã Long Tuyền.
Sáp nhập xã Mỹ Khánh, xã Giai Xuân và ấp Thới Thuận, ấp Thới Hoà, ấp Thới Ngươn của xã Thới An
Đông thuộc huyện Châu Thành vào thành phố Cần Thơ.
Sau này, vùng đất ven sông Hậu thuộc xã Thới An Đông cũng được tách ra để thành lập mới phường Trà Nóc trực thuộc thành phố Cần Thơ, đồng thời toàn bộ phần đất còn lại của xã Thới An Đông cũng được sáp nhập vào thành phố Cần Thơ.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Thành phố Cần Thơ khi đó đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ cho đến cuối năm 2003.
Từ năm 2004 đến nay
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11, về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang.
Đầu năm 2004, quận Bình Thuỷ được thành lập khi thành phố Cần Thơ chính thức tách ra khỏi tỉnh Cần Thơ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 02 tháng 01 năm 2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 05/2004/NĐ-CP về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Nội dung về việc thành lập quận Bình Thuỷ và các phường trực thuộc theo Nghị định như sau:
Thành lập quận Bình Thuỷ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của các phường: Bình Thuỷ, An Thới, Trà Nóc và các xã: Long Hoà, Long Tuyền và Thới An Đông (thuộc thành phố Cần Thơ cũ).
Quận Bình Thuỷ có 6.877,69 ha diện tích tự nhiên và 86.279 nhân khẩu.
Thành lập phường Long Hoà trên cơ sở toàn bộ 1.395,08 ha diện tích tự nhiên và 13.471 nhân khẩu của xã Long Hoà (thuộc thành phố Cần Thơ cũ).
Thành lập phường Long Tuyền trên cơ sở toàn bộ 1.413,55 ha diện tích tự nhiên và 13.250 nhân khẩu của xã Long Tuyền (thuộc thành phố Cần Thơ cũ).
Thành lập phường Thới An Đông trên cơ sở toàn bộ 1.167,56 ha diện tích tự nhiên và 9.438 nhân khẩu của xã Thới An Đông (thuộc thành phố Cần Thơ cũ).
Quận Bình Thuỷ sau khi được thành lập có 6.877,69 ha diện tích tự nhiên và 86.279 nhân khẩu; có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: Bình Thuỷ, An Thới, Trà Nóc, Long Hoà, Long Tuyền, Thới An Đông.
Ngày 06 tháng 11 năm 2007, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2007/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc quận Bình Thuỷ, quận Ô Môn, huyện Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Nội dung về việc thành lập các phường thuộc quận Bình Thuỷ như sau:
- Thành lập phường Bùi Hữu Nghĩa thuộc quận Bình Thuỷ trên cơ sở điều chỉnh 637,12 ha diện tích tự nhiên và 11.185 nhân khẩu của phường An Thới. Phường Bùi Hữu Nghĩa có 637,12 ha diện tích tự nhiên và 11.185 nhân khẩu.
- Thành lập phường Trà An thuộc quận Bình Thuỷ trên cơ sở điều chỉnh 565,67 ha diện tích tự nhiên và 5.339 nhân khẩu của phường Trà Nóc. Phường Trà An có 565,67 ha diện tích tự nhiên và 5.339 nhân khẩu.
Quận Bình Thuỷ có 7.059,31 ha diện tích tự nhiên với 97.051 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính phường trực thuộc, bao gồm các phường: Trà Nóc, Trà An, An Thới, Bùi Hữu Nghĩa, Thới An Đông, Bình Thuỷ, Long Tuyền, Long Hoà.
Bên trên là những hình ảnh bản đồ Quận Bình Thủy khổ lớn, phóng to do đội ngũ BANDOVIETNAM.NET tổng hợp. Chúng tôi chúc bạn tìm được bản đồ khổ lớn cần tìm, chúc các bạn thành công hơn.