Nhà xuất bản trong cuộc chiến chống sách giả

Hiện nay công nghệ in ấn và sao chép, phát tán nội dung tại Việt Nam đã phát triển gần như tương đương với thế giới. Các chuyên gia lĩnh vực in ấn, xuất bản cho rằng nhà xuất bản cần chủ động có biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ bản thảo, ngăn chặn rủi ro in lậu, vì “phòng cháy hơn chữa cháy”.

Năm 2023, Công an TP Hà Nội đã khởi tố đường dây sản xuất, buôn bán sách giả của Nguyễn Tiến Đạt cùng đồng phạm. Đường dây đã thu lời gần 1 tỷ đồng. Ảnh: Kinh Tế Môi Trường.

Khi nhà xuất bản "hớ hênh" với tài sản

Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng cho biết công nghệ in tại Việt Nam đã rất phát triển, có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, với mức độ tinh vi cao. “Công nghệ in công nghiệp, in bao bì với độ phức tạp cao hơn mà còn in lậu được, thì in lậu sách chẳng có gì khó khăn”, ông Dòng nhận định. Đầu nậu in lậu chỉ cần bỏ sách vào máy scan có độ phân giải cao, in ra chất lượng “một chín một mười” với sách thật.

Công nghệ in phát triển hơn, giá thành máy in rẻ hơn, khiến nhiều đơn vị in nhỏ lẻ cũng có thể sắm những máy in có giá thành từ vài chục tới vài trăm triệu để in lậu. Điều kiện về mặt công cụ để in lậu đã sẵn sàng như vậy, các nhà xuất bản nhiều khi cũng “hớ hênh”, tạo cơ hội cho kẻ làm trái phép.

Chị Hoàng Thanh Vân - Giám đốc tại ANA Hà Nội - cho biết một số đơn vị khi bán bản quyền cho đơn vị phân phối, đã chuyển thẳng bản thảo sang đối tác mà không có bất kỳ biện pháp bảo mật nào, cũng không có phương án quản lý nào với bản mềm gửi đi.

“Các bên khác làm gì với bản thảo đó, họ (nhà xuất bản) còn không biết. Họ không biết là họ đã bán đứt, giao thẳng file luôn, đã vậy cũng không kiểm soát lại xem là bên nhận họ sẽ dùng bản thảo đấy ra sao.

Về nguyên tắc quốc tế, khi chuyển giao cho một đơn vị nào khác, nhà xuất bản/nhà phát hành cần có đủ các điều kiện để bảo mật file, hoặc cần báo cáo thường xuyên số liệu bên bán bán được, hoặc báo cáo lượt tải của ebook… Nhưng ở Việt Nam, các đơn vị chưa làm việc này”, bà Hoàng Thanh Vân chia sẻ.

Bà Vân nhận định chính sự thiếu trang bị công nghệ, kiến thức bảo mật này khiến nhà xuất bản vô tình làm tăng nguy cơ rò rỉ thông tin trong quá trình trao đổi bản thảo.

Trong bối cảnh việc chống sách giả vẫn phụ thuộc lớn vào chủ thể sở hữu bản quyền phát hiện, tố cáo, nếu nhà xuất bản không chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, rất khó để xử lý các ca vi phạm. Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Aki (một công ty chuyên cung cấp máy đọc sách, đồng thời phát triển nền tảng phân phối ebook), công ty này vẫn cần hợp tác với các nhà xuất bản để phối hợp xử lý sau khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, chứ chưa có công nghệ nào để chủ động ngăn chặn ngay từ đầu.

Khi hành vi in/phát tán sách lậu đã triển khai, nhà xuất bản cũng cần nắm rõ quy định luật cũng như có thái độ kiên quyết xử lý các vụ việc. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc truy vết và xử lý sau khi hoạt động in/phát tán lậu đã được tiến hành là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều lần.

Theo ông Phạm Tuấn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - để phân biệt sách giả với sách thật, cơ quan chức năng cần có thiết bị chuyên dụng, có nghiệp vụ để phát hiện và xử lý. Thông thường, in lậu được hoạt động tinh vi, nên việc phát hiện in lậu tại máy in là việc khó, chủ yếu phát hiện qua khâu tàng trữ, vận chuyển, mua bán, phát hành, qua kiểm tra đơn vị không chứng minh được hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Quá trình kiểm tra - phát hiện trên không thể trong nháy mắt. Luật sư Lê Quang Vinh - Giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự - cho biết sách giả thuộc nhóm “hàng giả khó xử lý”, thủ tục xử lý phức tạp và nhiều khâu chứng minh, so sánh. Ngoài ra, không phải lúc nào nhà xuất bản cũng đủ nguồn lực để theo đuổi các vụ sách giả tới cùng.

Như vậy, “đầu mối” quan trọng vẫn là chủ thể sở hữu bản thảo. Nhà xuất bản cần sớm triển khai các phương thức tự bảo vệ bản thảo, ngăn chặn rò rỉ thông tin tại mọi điểm chuyển giao bản thảo. Bản thảo đã bị in lậu, phát tán lậu gây ra thiệt hại kinh tế cho nhà xuất bản, gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian hơn để xử lý.

Nhà xuất bản cần chủ động phòng tránh in lậu

Ông Phạm Tuấn Vũ cho rằng có 4 công tác để nhà xuất bản chủ động phòng tránh in lậu cho đơn vị, cụ thể:

Một, cần quản lý tốt file in. Những file in sau khi chuyển xuống cơ sở in cần phải được thu hồi. Nhà xuất bản cần có những hợp đồng chặt chẽ với các cơ sở in về giao nhận file in.

Hai, nhà xuất bản cần lựa chọn cơ sở in uy tín, có thương hiệu để đặt in, tránh các cơ sở nhỏ lẻ, manh mún.

Ba, nhà xuất bản, cơ sở làm sách cần chủ động in tem để bảo vệ hàng hóa của mình.

Bốn, khi chuyển sách tới đơn vị phát hành, nhà xuất bản cần kiểm soát được số lượng phát hành. Phải kiểm tra xem họ có bán đúng số lượng nhà xuất bản đưa ban đầu không, nếu bán hơn thì nghĩa là có thể bán sách lậu.

Khi nhà xuất bản chủ động bảo vệ quyền và tài sản trí tuệ của mình, kết hợp tuyên truyền để ý thức của người tiêu dùng được nâng cao, kết hợp các cơ quan chức năng làm tốt vai trò kiểm tra, có chế tài xử phạt phù hợp; khi tất cả các bên trong thị trường cùng đồng bộ thực hiện tốt vai trò của mình, công tác chống in lậu mới có hiệu quả.