Trong khi tiểu thuyết đam mỹ liên tục gây tranh cãi và được chú ý ở Trung Quốc, dòng tiểu thuyết bách hợp chật vật trong cộng đồng văn học mạng.
Cùng viết về LGBT, sao boylove thành đế chế còn girllove lặn tăm?
Hàng loạt tác giả viết truyện đam mỹ khiêu dâm bị bắt ở xứ sở tỷ dân. Trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhiều người xôn xao về số phận của dòng truyện từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho các website, tác giả tiểu thuyết.
Song ít ai nhớ đến một thể loại khác là truyện bách hợp. Cũng viết về những chuyện tình đồng giới, dòng tiểu thuyết này lại có phần im hơi lặng tiếng vì thiếu độc giả, hầu như không có sản phẩm đủ hot để chuyển thể thành phim.
Ngoài yếu tố thương mại, cách văn hóa đại chúng định hình sự hiện diện của phụ nữ cũng là một lý do. Tình yêu giữa hai người phụ nữ chưa tạo được hấp dẫn thị giác hay câu chuyện ấn tượng để giúp tiểu thuyết này trở thành dòng nội dung chủ lưu.
Phim "Song Kính" do Trương Nam và Tôn Y Hàm làm nữ chính là trường hợp thành công hiếm hoi của dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết bách hợp. Ảnh: Couple of Mirrors.
Girllove mờ nhạt
Chênh lệch về độ yêu thích giữa đam mỹ và bách hợp thể hiện rõ trong một bảng xếp hạng của Jinjiang Literature City, nền tảng truyện ngôn tình hàng đầu Trung Quốc.
Theo thống kê vào tháng 4/2024 của nhà nghiên cứu Wenqian Zhang (giảng viên khoa Trung Quốc học, Đại học Exeter, Anh), chỉ có 3 tác phẩm bách hợp nằm trong top 200 quyển sách được yêu thích nhất, còn lại là đam mỹ và chuyện tình dị tính. Tính đến năm 2018, có hơn 430.000 truyện đam mỹ được đăng tải trên nền tảng này. Trong khi đó, tiểu thuyết bách hợp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và thường vắng bóng trên các bảng xếp hạng.
Đam mỹ bùng nổ không chỉ dừng ở số lượng mà còn lan sang lĩnh vực truyền thông đại chúng. Hàng loạt tiểu thuyết thuộc thể loại này được mua bản quyền, chuyển thể thành phim truyền hình, truyện tranh hoặc game.
Trên Weibo, nhiều khán giả Trung Quốc xôn xao vì tin đồn gỡ bỏ phim Trần Tình Lệnh, phim truyền hình nổi tiếng chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ Ma đạo tổ sư. Ảnh: Tencent.
Năm 2020, số dự án phim đam mỹ được lên kế hoạch sản xuất là 59, tiêu biểu là các tác phẩm như Trần Tình Lệnh hay Trấn Hồn. Những bộ phim chuyển thể này không chỉ giúp các nền tảng thu hút người xem mà còn đưa nam diễn viên chính trở thành sao hạng A, minh chứng cho tiềm năng thương mại khổng lồ của dòng tiểu thuyết đam mỹ.
Ngược lại, thể loại bách hợp chưa có tác phẩm nào đạt mức ảnh hưởng tương tự. Trên truyền hình, hiếm có bộ phim nào thành công được chuyển thể từ dòng tiểu thuyết này. Số ít các tác phẩm tồn tại thường có kinh phí thấp, ít được quảng bá và không tạo ra “cú hích”, nhà phê bình văn hóa Lý Độ Đào chia sẻ trên Sohu.
Theo ông, một trong những nguyên nhân căn bản cho sự chênh lệch này là cấu trúc độc giả. Đam mỹ được hậu thuẫn bởi một lượng fan hùng hậu, chủ yếu là phụ nữ trẻ từ 16 đến 25 tuổi, còn gọi là “hủ nữ”. Không chỉ đọc truyện, họ còn lan tỏa nội dung qua fanpage, fanfic, cosplay và mua các sản phẩm liên quan.
“Các tiểu thuyết bách hợp lại không có nhóm độc giả rõ ràng, người đọc đa số là các nhóm nhỏ lẻ, bao gồm: một ít phụ nữ, một ít nam giới trong cộng đồng otaku, một ít fan 'đẩy thuyền' cho các nữ thần tượng - không nhóm nào đủ lớn để tạo thành thị trường ổn định”, ông cho biết.
Do đó, khi đam mỹ đã vươn lên thành một đế chế lớn đến mức rơi vào tầm ngắm của cơ quan quản lý, bách hợp vẫn loay hoay để tìm chỗ đứng trong thị trường văn học mạng.
Trấn Hồn là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ cùng tên, gây sốt ở nhiều quốc gia vào thời điểm ra mắt. Ảnh: Youku.
Không phải là "chiếc phao cứu sinh"
Trong khi các tiểu thuyết đam mỹ đã “luồn lách”, đổi “tình yêu” thành “tình huynh đệ” nhờ các khuôn mẫu văn hóa tôn vinh tình anh em như huynh đệ kết nghĩa, tri kỷ... bách hợp không có ví dụ tham khảo.
Văn hóa Trung Quốc hiếm khi đề cao hay khai thác tình cảm của những người phụ nữ, theo nhà phê bình Lý Độ Đào. Văn học cổ điển nước này thường chỉ khắc họa những người phụ nữ xoay quanh nam giới (vợ chồng, thê thiếp tranh sủng, mẹ - con…), hiếm có cặp “chị em kết nghĩa” nào nổi tiếng.
Thị trường quá nhỏ của các tiểu thuyết bách hợp còn làm dòng truyện này không có cơ hội “dò đường” như đam mỹ (ví dụ phim Thượng Ẩn từng gây sốc vào năm 2016 trước khi bị cấm). Bởi các nhà sản xuất cho rằng họ khó thu về lợi nhuận dù có được lưu hành, theo Sohu.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra trào lưu phụ nữ say mê truyện đam mỹ xuất phát từ mong muốn thoát khỏi định kiến giới dai dẳng trong xã hội, đặc biệt là male gaze (Tạm dịch: ánh nhìn nam giới - khái niệm mô tả hiện tượng cơ thể phụ nữ trên truyền thông đại chúng bị sử dụng để giải trí, thỏa mãn nam giới).
Theo Chizuko Ueno, "nhà nữ quyền nổi tiếng nhất Nhật Bản", đọc đam mỹ cho phép nữ giới tạm thoát khỏi xã hội đầy định kiến và các tự ti do male gaze sinh ra. Ảnh: Netflix.
“Trong đời thực lẫn truyện ngôn tình truyền thống, phụ nữ thường là đối tượng bị ngắm nhìn nên nhiều nữ độc giả sinh ra tâm lý tự ti, e ngại. Nhưng nhờ đam mỹ, họ đã tìm thấy ‘chiếc phao cứu sinh’, tạm thời thoát khỏi một xã hội đầy định kiến giới”, nhà xã hội học Chizuko Ueno, người được mệnh danh là "nhà nữ quyền nổi tiếng nhất Nhật Bản", nhận xét trên Guardian.
Theo bà, truyện bách hợp không mang lại cảm giác này cho độc giả. Bởi lẽ, chuyện tình yêu của hai cô gái không triệt tiêu được ảnh hưởng tâm lý mà male gaze mang lại. Phụ nữ vẫn vô thức nhìn các nhân vật nữ bằng các lăng kính giới khắt khe, đầy bó buộc.
“Trong xã hội phụ quyền, đàn ông thường tỏ ra thờ ơ với nội dung nữ yêu nữ, còn phụ nữ thường bị male gaze bó buộc hoặc giải tỏa bằng cách đọc đam mỹ. Thể loại bách hợp khó thu hút cả hai giới vì lẽ đó”, bà kết luận.
Cập nhật 19/07/2025 theo Znews