Kỹ sư IT bỏ nghề, làm nông dân để hạnh phúc

Ở tuổi 40, Đinh Văn Thuận gây bất ngờ khi bỏ nghề IT với thu nhập tiền tỷ mỗi năm để về quê làm nông.

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, anh Đinh Văn Thuận, 40 tuổi, khiến cả nhà bất ngờ khi tuyên bố bỏ nghề IT để làm nông.

Mấy năm nay, mỗi buổi sáng, anh Thuận ở xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình) bắt đầu ngày mới bằng việc kiểm tra bốn nhà yến, ba ở Lào, một ở quê nhà thông qua camera AI và hệ thống quản lý từ xa như cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh. Công nghệ vẫn đồng hành cùng người kỹ sư CNTT, nhưng lần này là để theo dõi hoạt động sống của những đàn chim.

Thuận từng có hơn 6 năm làm IT ở TP HCM. Năm 2013, sau kết hôn, anh cùng vợ về quê mở công ty riêng, đào tạo nhân sự, dạy lập trình, thiết kế web, bán sản phẩm cho đối tác nước ngoài.

Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm giúp anh đổi đời, lo cho cha mẹ, vốn là nông dân làm nghề nấu rượu, nuôi lợn, có cuộc sống đầy đủ hơn.

Anh Thuận (áo đen chính giữa) và các nhân viên cốt cán những năm 2013, khi còn làm giám đốc công ty công nghệ. Ảnh: Đinh Thuận

Nhưng càng thành công, chàng trai Nam Định càng cảm thấy bức bối. "Công việc quá vô cảm, lặp đi lặp lại. Tôi muốn làm ra thứ gì đó rõ ràng, chạm vào được và có ích cho người khác", anh nói.

Năm 2017, anh Thuận bắt đầu thử sức với nghề nông bằng việc thử nghiệm trồng đinh lăng - loại cây dược liệu, trên 13 mẫu đất mua bằng 10 tỷ đồng tích lũy trong những năm trước. Tuy nhiên, cây chỉ sống được hai mùa rồi chết vì sâu bệnh. Thuận lỗ hơn một tỷ đồng.

Nhìn vườn đinh lăng chết rũ, anh đứng lặng. ''Mất hơn một tỷ không tiếc bằng niềm tin bị lung lay'', anh nói. Nhưng nghĩ đến lý do bắt đầu, anh lại tiếp tục tìm hướng đi mới trong nông nghiệp.

Năm 2019, trong một chuyến tham quan nông trại ở Thanh Hóa, Ninh Bình, anh chú ý đến mô hình nuôi yến. Về quê, thấy nhà mình gần biển, chim yến bay nhiều, anh quyết định thử nghiệm.

Để thu hút chim về, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải chọn được bộ âm thanh tiếng chim mồi chuẩn.

Suốt hai tháng, Thuận ngồi nghe, phân tích tiếng chim suốt ngày đêm, đến mức bị vợ đuổi ra khỏi phòng vì quá ồn. Nhờ nghe nhiều, anh dần phân biệt được âm thanh của chim mẹ, chim con đòi ăn, chim định hướng tìm vị trí hay chim gọi bạn tình.

Anh dùng kiến thức IT để xử lý, lọc nhiễu hàng trăm bộ âm thanh để tạo ra bộ âm thanh phù hợp với chim ở vùng quê mình và chất lượng đạt độ phân giải cao (320 kbps).

Khi đã lọc ra được bộ âm thanh, anh treo trong nhà nuôi yến rồi ngồi bất động cả ngày theo dõi tương tác của chim. Bộ nào thấy chim không phản ứng, hoặc không theo về, anh loại bỏ.

Căn nhà yến đầu tiên rộng 200 m2 đi vào hoạt động năm 2020. Ban đầu, chim về làm tổ đều đặn, nhưng đến mùa đông, sàn nhà phủ đầy xác chim chết do lạnh. "Tôi xót của và thương chim, nhận ra mình chủ quan khi bê nguyên mô hình từ miền Nam về mà không tính đến khí hậu miền Bắc", anh kể.

Anh cầu cứu các chuyên gia, người nuôi yến có kinh nghiệm nhưng không ai giúp. "Họ khuyên tôi từ bỏ vì nuôi yến ở vùng lạnh không được. Tôi biết chỉ mình mới tự cứu được mình", anh nói.

Người đàn ông lại bước vào trận chiến mới, tự theo dõi phản ứng của chim trong các mức nhiệt khác nhau để nghiên cứu giới hạn của chúng.

"Anh ấy đã quyết làm gì là làm đến cùng. Có khi ngồi bất động trong nhà yến cả ngày chỉ để quan sát, vì chỉ cần cử động nhẹ là chim bay hoảng loạn", Vũ Tiến Dưỡng, 27 tuổi, nhân viên của anh kể.

Anh chuẩn bị lắp loa lục giác ngoài trời cho nhà yến, năm 2020. Ảnh: Đinh Thuận

Qua hai mùa thử nghiệm, anh Thuận xác định chim yến chỉ khỏe mạnh ở mức nhiệt độ thấp nhất là 25–28 độ C, dưới 20°C thì cơ thể chim mất nhiệt, tụt huyết áp, chim rất yếu và không còn sức đi ăn. Bằng kiến thức IT sẵn có, anh thiết kế hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, bù ẩm phù hợp với từng thời điểm thời tiết trong năm.

Năm 2022, mô hình kinh tế của anh đạt doanh thu khoảng 4 tỷ đồng, một nửa nhờ nuôi yến. Có trong tay kỹ thuật vững vàng, anh quyết định nghỉ hẳn công việc IT để làm nông toàn thời gian.

Hai năm trước, trong chuyến du lịch sang tỉnh Atapu, Lào, anh Thuận phát hiện nơi này có khí hậu nóng ẩm, điều kiện rất lý tưởng cho chim yến sinh sống và làm tổ. Anh xây thêm ba nhà yến ở đây, thuê người bản địa quản lý, chuyển nguyên liệu thô về Việt Nam để chế biến.

Công nghệ vẫn là trợ lý đắc lực, từ quản lý camera, điều khiển nhà yến từ xa đến tự động hóa tiếp thị, chăm sóc khách hàng.

Hiện anh xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với ba tầng không gian: trên trời nuôi yến, dưới nước nuôi thủy sản, trên mặt đất trồng dược liệu và cây ăn quả, kết hợp du lịch sinh thái. Dù vận hành cả cơ ngơi lớn trong và ngoài nước, anh chỉ cần thuê khoảng 10 lao động.

Nhờ có nền tảng công nghệ, những nhân viên tại trang trại như Vũ Tiến Dương không cần viết quảng cáo, tư vấn thủ công, mọi thứ đều đã cài đặt sẵn. "Chúng tôi không bị áp lực phải viết content thế nào, tư vấn khách ra sao vì đã có công nghệ hỗ trợ", Dương chia sẻ.

Dương học hết lớp 9, được anh Thuận đào tạo lập trình khi làm ở công ty công nghệ. Nay chuyển sang làm nông cùng sếp, chàng trai có thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, anh Thuận đang sở hữu một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp tốt nhất ở địa phương. "Anh là người nghĩ khác, làm khác, dám đột phá", ông nói.

Năm 2024, anh Thuận được vinh danh một trong những nông dân xuất sắc nhất Việt Nam hạng mục "Nông dân tỷ phú và chuyển đổi số".

Bỏ nghề IT giữa lúc sự nghiệp thăng hoa, Thuận không cho đó là bước lùi, mà là chuyển hướng cần thiết để tìm lại cảm hứng và hạnh phúc trong cuộc sống. Dù không còn là kỹ sư nhưng công nghệ vẫn luôn là bệ đỡ cho sự nghiệp nông nghiệp của anh.

"Tôi không bỏ nghề, chỉ chọn cách dùng công nghệ để tạo ra giá trị thật, trong một thế giới chạm được bằng tay và cảm nhận được bằng tâm", anh nói.

Phạm Nga

Theo vnexpress