Hơn 1.000 cuộc đấu tranh đã diễn ra trong lòng Sài Gòn 1960-1963

Trong những năm Sài Gòn bị chiếm đóng bởi chính phủ bù nhìn và quân Mỹ, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra tạo nên một mặt trận chính trị mạnh mẽ.

Từ năm 1960 đến 1963, Sài Gòn - Gia Định trở thành trung tâm của hơn 1.000 cuộc đấu tranh chính trị, phản ánh tinh thần kiên cường của nhân dân miền Nam Việt Nam. Dưới khẩu hiệu “Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh”, phong trào diễn ra quyết liệt nhằm yêu cầu thi hành Hiệp định Genève và thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Cho đến những năm trước cao trào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các phong trào vẫn diễn ra sôi nổi với sự tham gia của đông đảo tầng lớp.

Phong trào đấu tranh rộng khắp ở Sài Gòn - Gia Định

Phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1960-1965 diễn ra rộng khắp, phản ánh tinh thần quật khởi của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Theo Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - nguyên Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - phong trào diễn ra quyết liệt trong các nhà máy, trường học, chợ búa, khu lao động, với nhiều cuộc đình công, bãi công kéo dài.

Chân dung Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Nhân Dân.

“Thống kê của Bộ Lao động chính quyền Sài Gòn cho thấy chỉ riêng tại Sài Gòn - Gia Định, số cuộc đấu tranh tăng theo từng năm: 227 cuộc năm 1960, 287 cuộc năm 1961, 324 cuộc năm 1962, và 503 cuộc năm 1963. Điển hình là cuộc đình công kéo dài ba tháng của công nhân Stanvac, Vimytex, Vinatexco, bất chấp sự đàn áp khốc liệt”, trích từ bài viết của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định trong tác phẩm Chung một bóng cờ.

Công nhân ngành vận tải, cảng biển, điện nước cũng tổ chức nhiều cuộc bãi công quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số hoạt động của địch trong lòng đô thị. Sân bay và nhiều xí nghiệp lớn bị tê liệt trong nhiều ngày.

Cao trào đấu tranh lên đến đỉnh điểm vào ngày 25/8/1963 khi hàng nghìn người biểu tình tại chợ Bến Thành, phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong cuộc biểu tình này, nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết ngay giữa bùng binh Sài Gòn, khiến làn sóng phẫn nộ dâng cao và khơi nguồn cho hàng loạt cuộc xuống đường sau đó. Năm 1964, phong trào tiếp tục bùng nổ với các cuộc bãi công kéo dài của công nhân ôtô buýt, bốc vác cảng Sài Gòn, công nhân hãng Stic và Sovicotra.

Tháng 8/1964, hàng vạn công nhân, sinh viên, học sinh kéo đến bao vây dinh Nguyễn Khánh, chiếm Đài Phát thanh, gây sức ép buộc chính quyền phải xóa bỏ bản Hiến chương Vũng Tàu. Cùng thời điểm, cuộc biểu tình của 12.000 công nhân taxi, xích lô và tổng đình công của hàng chục nghìn công nhân trên toàn thành phố đã giáng đòn mạnh vào chính quyền Sài Gòn.

Những năm sau Đồng Khởi, phong trào đấu tranh chính trị tại đô thị miền Nam diễn ra mạnh mẽ và kết hợp chặt chẽ với các cuộc đấu tranh vũ trang, tạo tiền đề cho cao trào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đa dạng tầng lớp tham gia

Cho đến những năm 70, Sài Gòn - Gia Định tiếp tục là trung tâm của phong trào đấu tranh với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Sinh viên, học sinh, phụ nữ, tiểu thương, lao động, giới trí thức, thậm chí cả các nhà lãnh đạo tôn giáo đều góp phần tạo nên một mặt trận chính trị mạnh mẽ chống lại chính phủ bù nhìn và sự can thiệp của Mỹ.

Tác phẩm Chung một bóng cờ. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Phú Lương.

Sinh viên, học sinh là lực lượng xung kích, liên tiếp tổ chức các cuộc bãi khóa, biểu tình đòi tự do dân chủ. Trong thời gian Hội nghị Paris diễn ra, những cuộc xuống đường trước Sứ quán Mỹ, trụ sở Quốc hội, Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp, Tòa án quân sự… đã gây chấn động trong và ngoài nước.

Nhiều phong trào mang tính sáng tạo khác như "Nói cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói", "Hát cùng đồng bào ta" được triển khai để tuyên truyền hòa bình khi hội nghị Paris họp. Hàng loạt ca khúc tiến bộ như Dậy mà đi, Tự nguyện, Người mẹ Bàn Cờ vang lên khắp các khu phố, tạo động lực cho phong trào. Chỉ trong ba tháng từ tháng 7 đến tháng 10/1971, trong đô thị đã diễn ra 50 cuộc biểu tình lớn, gây tổn thất nghiêm trọng cho chính quyền Sài Gòn.

“Tại Sài Gòn, cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh và các giới đồng bào diễn ra dưới hình thức mang tính bạo lực của quần chúng, như bãi khóa, bãi chợ, biểu tình, đốt xe Mỹ, xé bích chương có hình Thiệu, đánh trả lực lượng đàn áp bằng bom xăng, gậy gộc, chiếm lĩnh khu lao động Bàn Cờ, Vườn Chuối, Phú Nhuận, Hòa Hưng”, trích từ bài viết của PGS.TS Lê Cung trong tác phẩm Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975).

Phụ nữ đô thị cũng là một lực lượng đấu tranh tích cực. Các phong trào của giới tiểu thương chợ, chị em lao động nổi lên mạnh mẽ với các yêu sách về giảm thuế, cải thiện điều kiện sống, chống bắt lính, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ. Với tinh thần kiên cường, họ đã xây dựng cơ sở bí mật ngay trong lòng thành phố để bảo vệ cán bộ cách mạng, che giấu chiến sĩ bị truy nã.

Những phong trào như "Phụ nữ đòi quyền sống" do luật sư Ngô Bá Thành, nữ sinh viên Trần Thị Lan cùng nhiều chị em khởi xướng đã lan rộng, tập hợp đông đảo phụ nữ từ nhiều giai tầng khác nhau.

Phong trào đấu tranh ở Sài Gòn - Gia Định còn có sự góp mặt của giới trí thức, tôn giáo. Những hành động mang tính biểu tượng như phong trào "Linh mục hốt rác" của cha Phan Khắc Từ hay "Ngày ký giả đi ăn mày" của giới báo chí đã để lại dấu ấn sâu sắc.

Nhìn lại giai đoạn đấu tranh sôi sục đó, có thể thấy chính sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân đã làm nên sức mạnh của phong trào cách mạng. Không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội, tất cả đều chung một ý chí: Đấu tranh vì hòa bình, độc lập và tự do cho dân tộc.

Theo Tạp Trí Tri Thức