Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cà Mau mới nhất

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cà Mau đến năm 2030 giúp bạn tra cứu định hướng sử dụng quỹ đất khu vực tỉnh Cà Mau chi tiết, nhằm giảm tránh được những rủi ro không đáng có khi đầu tư bất động sản Cà Mau, tiết kiệm thời gian đi lại.

Dưới đây, BANDOVIETNAM.NET cập nhật mới nhất Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cà Mau đến năm 2030 chi tiết.

Tỉnh Cà Mau có diện tích đất 5.294,87 km², lãnh thổ đất liền của tỉnh nằm trong tọa độ từ 8o34' - 9o33' vĩ Bắc và 105o25' - 104o43' kinh Đông:

Tỉnh Cà Mau là mảnh đất tận cùng của tổ quốc nước ta với 3 mặt tiếp giáp với biển:

  • Phía Đông giáp với Biển Đông
  • Phía Tây và phía Nam giáp với vịnh Thái Lan
  • Phía Bắc giáp với các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang.
  • Tỉnh Cà Mau chia làm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố Cà Mau và 8 huyện (Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh) Với 101 đơn vị hành chính cấp xã gồm có 9 thị trấn, 10 phường và 82 xã.

Phạm vi, tính chất lập quy hoạch tỉnh Cà Mau

Tỉnh Cà Mau có diện tích 5.294,87 km², là mảnh đất tận cùng của tổ quốc với 3 mặt tiếp giáp với biển:

  • Phía Đông giáp với Biển Đông
  • Phía Tây và phía Nam giáp với vịnh Thái Lan
  • Phía Bắc giáp với các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang.

Thành phố Cà Mau nằm trên trục đường quốc lộ 1A và quốc lộ 63, cách thành phố Cần Thơ 180 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 380 km. Đường bờ biển của tỉnh Cà Mau dài gần 254 km, trong đó có 107 km bờ Biển Đông và 147 km bờ Biển Tây. Biển Cà Mau tiếp giáp với vùng biển các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và là trung tâm của vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á.

Tỉnh Cà Mau có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện. Được phân chia thành 101 đơn vị hành chính cấp xã gồm có 9 thị trấn, 10 phường và 82 xã.

Tính chất và chức năng vùng:

  • Có vị trí ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, là cực phát triển tiểu vùng phía Nam của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị của quốc gia và quốc tế về đường bộ và đường thủy.
  • Là đầu mối giao thông quan trọng của các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và quốc tế; trung tâm kinh tế biển; trung tâm đánh bắt nuôi trồng và chế biến thủy hải sản của quốc gia; trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí (Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau) của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
  • Trung tâm du lịch sinh thái (rừng, biển), trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia. Là vùng cực Nam của Tổ quốc, có vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh của quốc gia.

Quy hoạch phát triển không gian vùng Thành phố Cà Mau

Định hướng

  • Cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có vị trí đặc thù là vùng cực Nam Tổ quốc. Một vùng có nhiều ý nghĩa về chính trị, có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ quốc phòng, an ninh của quốc gia.
  • Trung tâm kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; trung tâm công nghiệp năng lượng; trung tâm chế biến và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm du lịch sinh thái rừng sinh quyển.
  • Vùng phát triển cân bằng, toàn diện, có chất lượng cuộc sống cao. Vùng cảnh quan đặc trưng sông nước, rừng ngập mặn và cảnh quan biển.

Cấu trúc không gian vùng

a) Cấu trúc lưu thông: Khung phát triển vùng tỉnh Cà Mau gồm các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế và quốc gia như sau:

  • Trục hành lang Quốc lộ 1 là trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia đi xuyên qua trung tâm thành phố Cà Mau và về đến Năm Căn, kết nối một chuỗi đô thị của tỉnh, tạo khả năng kết nối với thành phố Bạc Liêu, thành phố Sóc Trăng cũng như các thành phố lớn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trục cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (Quản Lộ – Phụng Hiệp) là trục hành lang kinh tế – đô thị nối thành phố Cà Mau với thành phố Cần Thơ; trục hành lang kinh tế – đô thị Quốc lộ 63 nối thành phố Cà Mau với Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và đi về cửa khẩu Xà Xía, đây cũng chính là tuyến đường Hồ Chí Minh về đến thành phố Cà Mau, theo Quốc lộ 1 về đến Năm Căn và Mũi Cà Mau. Trục hành lang kinh tế – đô thị ven biển phía Nam nối thành phố Cà Mau với thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).
  • Hành lang kinh tế biển ven biển có khả năng kết nối với đường biển quốc tế và quốc gia; liên kết các khu kinh tế (KKT) biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long như: KKT Định An, KKT Gành Hào, KKT Năm Căn, KKT đảo Phú Quốc và Côn Đảo.
  • Trục hành lang kinh tế – đô thị nội vùng từ thành phố Cà Mau đi Sông Đốc (theo Quốc lộ 1, ĐT.985, 985B); từ thành phố Cà Mau đi thị trấn Đầm Dơi và kết nối với cảng Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu).
  • Trục hành lang kinh tế đường thủy quốc gia gồm có hệ thống giao thông như: Sông Gành Hào, sông Cửa Lớn, kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau – Bạc Liêu sẽ kết nối với các tiểu vùng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

b) Cấu trúc không gian các vùng đô thị – công nghiệp tập trung

  • Vùng đô thị – công nghiệp trung tâm vùng tỉnh: Với hạt nhân là thành phố Cà Mau, gắn với đô thị Khánh An và KCN Khánh An, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, KCN Hòa Trung và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố Cà Mau; đồng thời, gắn kết không gian với đô thị Thới Bình và đô thị Cái Nước.
  • Vùng đô thị – công nghiệp Sông Đốc: Trung tâm là đô thị Sông Đốc, gắn với KCN Sông Đốc, là đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Tây Nam của tỉnh (dự kiến thành thị xã), gắn kết với đô thị Trần Văn Thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế – đô thị nội vùng từ Cà Mau đi Sông Đốc.
  • Vùng đô thị – công nghiệp Năm Căn: Trung tâm vùng là KKT Năm Căn gồm đô thị Năm Căn (dự kiến thành thị xã), gắn kết với các khu phi thuế quan, KCN tập trung, cảng biển… và đô thị Cái Nước tạo thành vùng đô thị động lực trên trục hành lang kinh tế – đô thị Quốc lộ 1 từ thành phố Cà Mau đi Năm Căn.

c) Cấu trúc không gian vùng cảnh quan và không gian mở

Với 03 mặt giáp biển, vùng bờ biển và thềm lục địa trải dài ngoài tiềm năng về phát triển kinh tế còn là vùng cảnh quan, không gian mở của tỉnh.

  • Các vùng bảo tồn rừng quốc gia, rừng ngập mặn ven biển, rừng trồng ven sông, kênh, rạch cấu trúc thành các vùng đặc trưng và đan xen giữa các vùng đô thị – công nghiệp tạo sự phát triển cân bằng bền vững.
  • Hệ thống sông Gành Hào, Ông Đốc, sông Tam Giang, Cái Tàu, sông Trẹm, sông Bảy Háp, Cửa Lớn, sông Đầm Cùng, sông Năm Căn, sông Rạch Gốc… và kênh xáng Cà Mau – Bạc Liêu, kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp… là hệ thống sông, kênh, rạch phục vụ vận tải, cấp nước, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, cũng là các vùng không gian mở với hệ thống mặt nước, cây xanh cảnh quan, tạo bản sắc đặc trưng cho Cà Mau.
  • Các vùng sản xuất lúa chuyên canh, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở phía Bắc và vùng nuôi trồng thủy sản phía Nam, gắn kết các vùng cảnh quan và không gian mở tạo thành không gian cảnh quan đặc trưng của địa phương.

Phân bố các vùng chức năng

Phân vùng phát triển kinh tế

a) Vùng kinh tế nội địa (phát triển đô thị – công nghiệp – dịch vụ động lực của vùng tỉnh Cà Mau), bao gồm:

Thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình và huyện Cái Nước; ngoài ra, có thể mở rộng về phía Tây Bắc để gắn kết đô thị Khánh An, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau và KCN Khánh An.

  • Quy mô diện tích tự nhiên: 1.302,58 km2, chiếm 24,60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số đến năm 2025 là 630-650 nghìn người, chiếm 43-48% và đến năm 2030 là 700-740 nghìn người, chiếm 45-50% dân số toàn tỉnh.
  • Tiềm năng của vùng: Do vị trí địa lý kinh tế nằm về phía Đông Bắc của tỉnh (vùng nội địa); trong đó, thành phố Cà Mau là đô thị loại II cấp vùng, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa – khoa học kỹ thuật của tỉnh Cà Mau. Là trung tâm tiểu vùng phía Nam của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thuận lợi là giao nhau của các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia: Quốc lộ 1, đường cao tốc Quản Lộ – Phụng Hiệp, Quốc lộ 63, Hành lang kinh tế – đô thị ven biển phía Nam. Các trục hành lang này, gắn kết thuận lợi với trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế: tuyến Xuyên Á kết nối thành phố Bạc Liêu – thành phố Rạch Giá – thị xã Hà Tiên – thành phố Phnompenh (Campuchia) ở phía Bắc.
  • Động lực phát triển: Phát triển đô thị; công nghiệp; thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, giải trí cao cấp; nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và nuôi trồng. Thế mạnh của tiểu vùng bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học; đánh bắt thủy sản lớn và tập trung của tỉnh.

b) Vùng kinh tế biển và ven biển, bao gồm:

Vùng biển, các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông, Hòn Đá Bạc và các huyện có bờ biển (U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi). Trong đó:

Vùng phát triển ven biển Tây gồm: Vùng biển, các cụm đảo Hòn Chuối, Hòn Buông, Đá Bạc và 04 huyện có bờ biển (U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân). Đô thị trung tâm của vùng là Sông Đốc, là vùng phát triển đô thị – công nghiệp, phát triển nông nghiệp chuyên canh lúa, nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh Cà Mau. Là khu vực rừng bảo tồn quốc gia U Minh hạ.

  • Quy mô diện tích đất liền 1.938,74 km2, chiếm 36,62% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số đến năm 2024 là 550-570 nghìn người, chiếm 38-40% và đến năm 2030 là 570-590 nghìn người, chiếm 38-40% dân số toàn tỉnh.
  • Tiềm năng của vùng: Do vị trí địa lý kinh tế phía Bắc giáp huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), phía Đông giáp Tiểu vùng kinh tế trung tâm, tiếp cận thành phố Cà Mau. phía Nam giáp KKT Năm Căn, phía Tây giáp biển. Là vùng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (TTCN), đô thị, phát triển nông nghiệp chuyên canh lúa và nuôi trồng thủy sản tập trung; trong đó, Sông Đốc là đô thị kinh tế biển, là đô thị động lực của tiểu vùng. Có trục hành lang kinh tế ven biển Tây liên kết 04 huyện và nối với KKT Năm Căn ở phía Nam và nối với Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) ở phía Bắc và trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh) đi qua.
  • Động lực phát triển: Phát triển đô thị; công nghiệp tập trung (đa ngành, chuyên ngành và công nghiệp phục vụ nông nghiệp); thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, làng nghề; nông nghiệp chuyên canh và nuôi trồng thủy sản tập trung. Thế mạnh đặc biệt của tiểu vùng là phát triển kinh tế biển.

Vùng phát triển ven biển Đông (phía Nam) gồm: Vùng biển, các cụm đảo Hòn Khoai và 03 huyện có bờ biển (Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi), đây là vùng cực Nam của Tổ quốc, có nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và quốc phòng, an ninh. Đô thị trung tâm của vùng là Năm Căn, gắn kết phát triển với Khu kinh tế (KKT) Năm Căn, là đô thị động lực tiểu vùng phía Nam nói riêng và của tỉnh Cà Mau nói chung. Đây là điểm cuối của trục hành lang kinh tế quốc gia Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh) cũng như hành lang kinh tế ven biển.

  • Quy mô diện tích đất liền 2.053,46 km2, chiếm 38,78% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số đến 2025 khoảng 350-380 nghìn người, chiếm 25-28% và đến năm 2030 khoảng 360-400 nghìn người, chiếm 24-27% dân số toàn tỉnh.
  • Tiềm năng của vùng: Do vị trí địa kinh tế là toàn bộ lưu vực phía Nam sông Bảy Háp và kênh Xáng, 03 mặt Đông, Nam và Tây tiếp giáp biển. Thuận tiện giao thương với các nước Asean qua vịnh Thái Lan.
  • Động lực phát triển: Phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan; công nghiệp – TTCN, làng nghề; kinh tế biển, cảng tổng hợp. Thế mạnh đặc biệt là khu kinh tế biển Năm Căn, cảng tổng hợp.

 Phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn

a) Định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng

Dự báo đô thị toàn vùng:

  • Năm 2021: Có 20 đô thị; trong đó: có 01 đô thị loại I (thành phố Cà Mau), 05 đô thị loại IV (Sông Đốc, Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi và Cái Nước) và 14 đô thị loại V (Thới Bình, U Minh, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc, Đất Mũi, Thanh Tùng, Trần Thới, Phú Tân, Nguyễn Huân, Hưng Mỹ, Khánh Hội, Khánh An, Trí Phải và Khánh Bình Tây), trên cơ sở nâng cấp mở rộng 10 đô thị hiện có, thành lập mới 10 đô thị.
  • Năm 2030: Có 20 đô thị; trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Cà Mau), 02 đô thị loại III (Sông Đốc và Năm Căn), 06 đô thị loại IV (Thới Bình, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc) và 11 đô thị loại V (U Minh, Đất Mũi, Thanh Tùng, Trần Thới, Phú Tân, Nguyễn Huân, Hưng Mỹ, Khánh Hội, Khánh An, Trí Phải và Khánh Bình Tây), trên cơ sở nâng cấp mở rộng một số đô thị hiện có; bao gồm: Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng; hệ thống đô thị phân theo tính chất chức năng tổng hợp và hệ thống đô thị kinh tế.

Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng gồm: Thành phố Cà Mau, đô thị Sông Đốc và đô thị Năm Căn; trong đó:

  • Thành phố Cà Mau được xác định là 01 trong 04 cực phát triển đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long với vai trò được khẳng định là trung tâm đa năng tổng hợp phía Nam của vùng; vừa là trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh và vừa là đô thị trung tâm chuyên biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long là công nghiệp năng lượng, phân bón và các trung tâm giống cây con vùng ngập mặn, nước lợ, nước ngọt.
  • Đô thị Năm Căn phát triển gắn kết với KKT Năm Căn, dự kiến sau năm 2025 sẽ là đô thị loại III. Tương lai có thể sáp nhập với các xã phía Tây của huyện để hình thành thị xã Năm Căn.
  • Đô thị Sông Đốc dự kiến sau năm 2025 sẽ là đô thị loại III. Tương lai có thể sáp nhập với các xã lân cận của thị trấn để hình thành thị xã Sông Đốc.

Hệ thống đô thị phân theo tính chất chức năng tổng hợp gồm: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc.

ác đô thị chuyên ngành kinh tế gồm: Trí Phải, Khánh An, Khánh Hội, Khánh Bình Tây, Hưng Mỹ, Trần Thới, Thanh Tùng, Nguyễn Huân, Đất Mũi.

b) Định hướng phát triển dân cư nông thôn

  • Phát triển dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới. Các khu dân cư phải thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
  • Định hướng phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở triệt để tận dụng các điểm dân cư hiện hữu, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiết kiệm và hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững.
  • Quy hoạch bố cục các khu chức năng hợp lý, đảm bảo bán kính phục vụ; kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh.

Phân bố các vùng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp

  • Vùng công nghiệp trung tâm vùng (thành phố Cà Mau và đô thị Khánh An); vùng công nghiệp tập trung vùng phía Tây đô thị Sông Đốc.
  • Vùng công nghiệp tập trung Khu kinh tế Năm Căn.
  • Phát triển các CCN địa phương gắn với vùng nguyên liệu, công nhân tại chỗ; bao gồm: Thành phố Cà Mau, Ngọc Hiển, Thới Bình, Phú Tân, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, U Minh và Năm Căn.
  • Tiểu thủ công nghiệp – làng nghề nông thôn tiếp tục tồn tại và phát triển với các ngành nghề chủ yếu: chế biến thủy; chuối khô, dệt chiếu cói, nấu rượu…

Phân bố các vùng du lịch, vùng cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên

Không gian du lịch tỉnh Cà Mau phân thành 03 vùng chính; bao gồm:

  • Vùng trung tâm (vùng 1) gồm: Thành phố Cà Mau và một số khu vực phụ cận.
  • Vùng du lịch phía Tây (vùng 2) gồm: Các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân; trong đó, có Trung tâm của vùng là Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
  • Vùng du lịch phía Nam (vùng 3) gồm: Các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, quốc tế, quốc gia.

Vùng cảnh quan, khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, khu Ramsa thế giới…

Phân bố các vùng nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp

a) Vùng nông nghiệp

  • Phát triển các cây trồng chính theo hướng thâm canh, sản xuất lúa gạo chất lượng cao, trồng rau quả và cây công nghiệp ngắn ngày áp dụng công nghệ hiện đại. Hình thành trang trại vùng chăn nuôi tập trung đan xen với các khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh tại các địa phương; chăn nuôi (heo, gia cầm) theo hướng phát triển bền vững gắn với thị trường tiêu thụ nội tỉnh.
  • Bảo vệ rừng và tiếp tục tăng dần độ che phủ; phát triển diện tích rừng tràm sản xuất, các khu rừng đặc dụng và mở rộng điện tích rừng ngập mặn ven biển.
  • Tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực… đáp ứng yêu cầu bảo tồn, giữ gìn và khai thác hiệu quả tính đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

b) Vùng thủy sản

  • Đa dạng hóa giống và loại hình nuôi trồng, áp dụng phương thức nuôi thâm canh, quảng canh cải tiến; đồng thời, bảo vệ tốt các nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu tác động xấu đến tài nguyên đất đai. Đầu tư phát triển nuôi trồng tập trung theo hướng bền vững.
  • Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành khai thác và đánh bắt thủy sản. Trang bị các trang thiết bị hiện đại cho đội tàu cá, giúp năng suất cao hơn, Xây dựng hệ thống bến và cảng phục vụ đánh bắt thủy sản.
  • Quy hoạch phát triển các vùng nuôi công nghiệp: Vùng nước ngọt, vùng nước lợ và vùng nước mặn.

c) Vùng diêm nghiệp

Tiếp tục mở rộng thêm diện tích hiện có tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho vùng sản xuất muối, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và phân phối sản phẩm.

Tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ

  • Hệ thống giáo dục, đào tạo vùng gồm có: Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp; Trường dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trường trung học phổ thông.
  • Hệ thống văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao vùng: Thành phố Cà Mau là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao vùng cấp vùng, cấp tỉnh; ngoài ra, đầu tư nâng cấp các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, thể dục thể thao, thư viện cấp thành phố/huyện/thị tại thành phố Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn và các huyện. Trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Khai thác tôn tạo, bảo tồn các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể.
  • Hệ thống y tế vùng: Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa Cà Mau, Bệnh viện Sản – Nhi, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đông Y, Bệnh viện Lao – Phổi, Bệnh viện Tâm thần. Đầu tư xây dựng Bệnh viện trung tâm các vùng, tiểu vùng và các vùng lân cận như: Bệnh viện Năm Căn, Bệnh viện Trần Văn Thời, Bệnh viện Đầm Dơi, Trung tâm y tế Sông Đốc, Trung tâm y tế Thới Bình.
  • Hệ thống thương mại, dịch vụ cấp vùng: Từng bước hình thành các trung tâm thương mại – dịch vụ chất lượng cao cấp vùng và tiểu vùng tại các trung tâm của các đô thị như thành phố Cà Mau, đô thị Sông Đốc và Năm Căn. Củng cố và đầu tư mới mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ tại trung tâm các đô thị, điểm du lịch; đồng thời, từng bước hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hình thành và phát triển các khu dịch vụ tại các KCN, khu phi thuế quan KKT Năm Căn và cảng

Quy hoạch giao thông tỉnh Cả Màu

Quy hoạch hệ thống đường bộ

a) Giao thông đối ngoại

  • Đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau: Đường Quản Lộ – Phụng Hiệp giai đoạn sau năm 2020 nâng cấp theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, quy mô 04 làn xe.
  • Quốc lộ: Quốc lộ 1, tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 52 m; Quốc lộ 63, tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 52 m; đường Hành lang ven biển phía Nam, tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 46 m; đường Quản Lộ – Phụng Hiệp, tiêu chuẩn đường cao tốc, 04 làn xe; đường Hồ Chí Minh; đường ven biển, tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng.

b) Hệ thống giao thông đường tỉnh (đạt tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 45,0 m; trong đó: mặt bê tông nhựa rộng từ 7,0-11,0 m, nền 12,0 m) gồm: ĐT.984 (đường Cà Mau – Tắc Thủ – U Minh – Khánh Hội); ĐT.985B (đường Tắc Thủ – Rạch Ráng – Sông Đốc); ĐT.988 (đường Lương Thế Trân – Đầm Dơi); ĐT.983 (đường Trì Phải – Thới Bình); ĐT.985 (đường Rau Dừa – Rạch Ráng); ĐT.986 (đường Gành Hào – Đầm Dơi – Cái Nước – Cái Đôi Vàm); ĐT 984C (đường Thới Bình – U Minh); ĐT.983B (đường Láng Trâm – Thới Bình); ĐT.985C (đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc); đường Thới Bình – Biển Bạch; ĐT.990 (đường Ranh Hạt – Chợ Hội); ĐT.983D (đường T 29); ĐT.984E (đường T 11); ĐT.984D (đường Võ Văn Kiệt); ĐT.984B (đường Hai Mùa dọc kênh 7); đường Trại giam Cái Tàu; đường Vành đai 3 thành phố Cà Mau; ĐT.988B (đường Cái Nước – Đầm Dơi); ĐT.988C (đường Cà Mau – Đầm Dơi – Năm Căn); ĐT.985D (đường bờ Nam Sông Đốc); ĐT.987 (đường Đê Tây sông Bảy Háp)…

Hệ thống đường huyện: Quy hoạch đạt cấp V đồng bằng, lộ giới 30 m; trong đó: mặt nhựa rộng 5,5 m, nền 7,5 m, đất dành cho đường bộ mỗi bên là 10 m. Hệ thống cầu cống đạt tải trọng 0,4HL93.

Quy hoạch hệ thống bến bãi

Bến xe khách liên tỉnh gồm có: Bến xe khách Cà Mau – Kiên Giang; Bến xe khách Quản Lộ – Phụng Hiệp và Bến xe khách Cà Mau (cũ).

Bến xe khách liên huyện: Quy hoạch đến 2020, nâng cấp hệ thống bến xe đạt tiêu chuẩn cấp III, cụ thể gồm: Bến xe khách Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước, Phú Tân và Năm Căn.

Bến bãi xe tải: Tất cả các KCN, CCN trong tỉnh sẽ phải dành quỹ đất với tỉ lệ khoảng 1ha/100ha đất toàn KCN, CCN để bố trí bãi đỗ xe tải.

Quy hoạch hệ thống đường thủy

Tuyến đường biển cho phép tàu biển ra vào bán đảo Cà Mau: Tuyến sông Cửa Lớn qua cửa Bồ Đề đến cảng Năm Căn là tuyến giao lưu chính bằng đường biển cho khu vực phía Nam bán đảo Cà Mau. Cải tạo nâng cấp luồng cho tàu trọng tải 3.000¸5.000 DWT chở đầy tải.

  • Hệ thống đường thủy do Trung ương quản lý gồm các tuyến: cảng Sài Gòn đi Cà Mau Năm Căn (qua kênh Xà No); thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau (tuyến ven biển); Rạch Giá – Cà Mau – cửa sông Ông Đốc; Quản Lộ – Phụng Hiệp; sông Gành Hào; Lương Thế Trân – Đầm Dơi; kênh Cái Nháp; luồng tàu nối thị trấn Rạch Gốc với đảo Hòn Khoai; luồng tàu nối đô thị Sông Đốc tại cảng Ông Đốc với đảo Hòn Chuối tại bến cá Hòn Chuối; tuyến tránh thành phố Cà Mau qua rạch Cái Xu, Tân Thành.
  • Hệ thống đường thủy nội địa do tỉnh quản lý gồm các tuyến: Sông Cái Tàu – Biện Nhị; kênh Thị Kẹo – Cái Đôi Vàm; sông Bào Trấu; sông Bảy Háp; Rạch Rập – Đầm Cùng; Năm Căn – Rạch Tàu; sông Rạch Gốc; sông Đầm Dơi; sông Đầm Chim; Kênh Xáng; sông Cái Ngay và Kênh 17.
  • Hệ thống đường thủy do huyện quản lý gồm: 33 tuyến, duy trì đạt tiêu chuẩn cấp V, cho phép tàu tự hành, sà lan trọng tải dưới 100 tấn lưu thông.

Quy hoạch cảng, bến

  • Cảng Năm Căn là cảng tổng hợp chính của tỉnh Cà Mau; cảng sông Ông Đốc là cảng nội địa và cảng nước sâu Hòn Khoai sẽ kết nối với KKT Năm Căn để đáp ứng chuỗi phân phối quy mô khu vực và quốc tế, với hệ thống cung ứng dịch vụ hậu cần cảng biển (logistics) cung cấp các dịch vụ: kho vận, vận chuyển, trung chuyển hàng hóa, xếp dỡ, sắp xếp, đóng gói hàng hóa container… Ngoài ra, có cảng chuyên dùng tại Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau.
  • Hệ thống cảng cá: Theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
  • Khu neo đậu tránh bão: Theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 09/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
  • Bến tàu khách, hàng hóa: Được quy hoạch, đầu tư xây dựng kết hợp tại trung tâm thành phố và các huyện trên địa bàn tỉnh.

Đường hàng không

Cảng hàng không Cà Mau được đầu tư theo Quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không Cà Mau – giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030. Ngoài ra, nhằm phục vụ nhu cầu du lịch, tham quan, quốc phòng, an ninh và khảo sát, thăm dò dầu khí, xem xét khôi phục, nâng cấp bãi đỗ máy bay ở Hòn Khoai và Năm Căn.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cà Mau mới nhất

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thành phố Cà Mau Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Ngọc Hiển
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Cái Nước Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Phú Tân
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Đầm Dơi Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Thới Bình
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Năm Căn Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Trần Văn Thời
  Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện U Minh

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cà Mau mới nhất

PHÓNG TO