Nữ sinh Việt được Microsoft tuyển dụng dù chưa tốt nghiệp

Hà Anh từng gửi chừng 350 thư xin thực tập, làm tập sự kỹ sư phần mềm ở Uber, Apple, trước khi nhận được thư mời làm việc của Microsoft.

Hà Anh tại Mỹ. Ảnh: NVCC

Dương Hà Anh, 22 tuổi, là sinh viên năm cuối ngành Khoa học máy tính, Đại học Brown - một trong 8 trường Ivy League của Mỹ. Ba năm trước, cô gái Hà Nội đến đây với khoản hỗ trợ tài chính 7,5 tỷ đồng, gồm học phí và sách vở, tài liệu, vé máy bay khứ hồi.

Giữa năm 2025, Hà Anh mới tốt nghiệp nhưng hai tháng trước, cô đã nhận được thư mời làm việc từ Microsoft.

"Đây là niềm vui lớn của mình sau hàng trăm email xin thực tập, xin việc đã gửi từ năm nhất", Hà Anh bày tỏ.

Khi mới đến Mỹ vào mùa thu 2021, mọi thứ với Hà Anh đều mới mẻ. Học xong năm đầu, cô xin thực tập ở một công ty Việt Nam vì chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Sau đó, Hà Anh kết nối với các cựu sinh viên và được khuyên nên thử sức xin thực tập trong các công ty Mỹ.

Không quen ai, cô tìm cơ hội một cách "thủ công": Lên mạng xã hội Linkedin, tìm địa chỉ liên hệ người phụ trách nhân sự của các công ty, sau đó gửi hồ sơ của mình. Hà Anh thường tìm vị trí thực tập sinh kỹ sư phần mềm để đúng ngành học, đồng thời mong được làm việc tại các công ty có thể bảo lãnh visa H1-B (thị thực tạm trú diện lao động).

Nói không nhớ chính xác mình đã gửi đi bao nhiêu email, nhưng Hà Anh "chắc chắn không dưới 200". Dù vậy, chỉ một người trả lời. Đó là chuyên viên nhân sự ở Uber - hãng dịch vụ vận tải công nghệ.

Quy trình xin thực tập ở Mỹ thường có 2-3 vòng chính, gồm đơn, bài kiểm tra và phỏng vấn. Ở Uber, Hà Anh không phải làm bài kiểm tra. Nữ sinh thực tập tại đây trong gần ba tháng hè năm 2023 với nhiệm vụ thiết kế một tính năng liên quan thông tin chuyến đi, khách hàng và tài xế. Lần đầu được làm việc trong công ty Mỹ với môi trường chuyên nghiệp, Hà Anh choáng ngợp. Cô nhìn nhận ngoài kiến thức còn hiểu được quy trình vận hành của công ty, các khâu mà một dự án cần trải qua cũng như kỹ năng làm việc nhóm.

Sau thời gian này, Hà Anh tự tin hơn vì hồ sơ không còn "trống trơn" ở mục kinh nghiệm. Lần thực tập tiếp theo, cô hướng đến những công ty lớn hơn, cũng với cách tương tự.

"Mình cũng đã gửi khoảng 150 mail nhưng số phản hồi nhận được nhiều hơn lần trước", Hà Anh kể. Trong đó, Apple - công ty công nghệ hàng đầu thế giới, khiến cô bất ngờ nhất.

Trước đó, Hà Anh thường thấy các ứng viên được phỏng vấn chung, rồi mới chia nhóm. Nhưng ở Apple, cô được phỏng vấn theo từng nhóm ngay từ đầu. Hà Anh còn trải qua bài kiểm tra khả năng tư duy, logic, viết code và xử lý tình huống.

"Các vòng đều rất khó và mình nghĩ khó trúng tuyển. Thế nên khi nhận thư chúc mừng sau một tuần, mình vui đến phát khóc", Hà Anh nhớ lại.

Vẫn vị trí kỹ sư phần mềm, Hà Anh thực tập ở nhóm Capture, phụ trách các tính năng về hình ảnh cho một số sản phẩm của Apple. Trong 15 tuần, cô tham gia dự án cải thiện trải nghiệm xem ảnh và video 3D của người dùng kính Vision Pro, qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Lúc đó, Hà Anh mới học hết năm thứ ba. Cô phải chủ động học thêm kiến thức, ngôn ngữ lập trình Swift để đáp ứng yêu cầu công việc. Thời gian đầu, nữ sinh cũng gặp khó khi lập trình trên hệ điều hành iOS, thay vì web như trước. Ngoài tìm tài liệu trên mạng, cô chủ động hỏi đồng nghiệp để được hỗ trợ và giải thích những điều còn lúng túng.

Hà Anh nhìn nhận cường độ làm việc của thực tập sinh như một nhân viên chính thức. Những ngày gần đến hạn nộp báo cáo, cô dành 12-13 tiếng ở công ty để hoàn thành. Nhưng cô thấy xứng đáng để đánh đổi.

"Lần này, mình học được cách trình bày kế hoạch với sếp, với đồng nghiệp, hiểu hơn về văn hóa kết nối bằng cà phê. Đây đều là những kỹ năng mềm rất quan trọng", Hà Anh nói.

Hà Anh trong thời gian thực tập ở Uber. Ảnh: NVCC

Cuối năm 2024, Hà Anh tiếp tục tìm việc, nhưng ở vị trí nhân viên chính thức. Vòng tuyển dụng của Microsoft có bài kiểm tra trực tuyến dài khoảng hai tiếng về logic và lập trình. Biết Microsoft chú trọng phần này, Hà Anh ôn rất kỹ và dễ dàng vượt qua. Sau đó, cô được một lãnh đạo và hai kỹ sư phỏng vấn, mỗi người trong một tiếng, chủ yếu kiểm tra kiến thức, định hướng và các dự án của ứng viên cùng một số tình huống giả định.

Trong thư mời làm việc, ngoài lương, Microsoft cho biết sẽ hỗ trợ Hà Anh laptop, bảo hiểm sức khỏe và bảo lãnh visa H1-B. Cô sẽ bắt đầu công việc tại đây sau khi tốt nghiệp vào tháng 6.

Thời gian tới, Hà Anh dự định học thêm Toán, bổ sung kiến thức chuyên ngành liên quan phần cứng máy tính.

Được nhận vào thực tập, làm việc ở các công ty lớn, Hà Anh thấy rằng điểm sáng trong hồ sơ của mình là sự cầu tiến, thể hiện được đam mê với lĩnh vực đang theo đuổi. Không có bất kỳ giải thưởng hay chứng nhận nào, bù lại, Hà Anh làm trợ giảng nhiều môn chuyên ngành trong trường, thường xuyên mày mò, lập trình mỗi khi có thời gian rảnh để nâng cao kỹ năng. Nữ sinh cũng thấy mình đã đúng đắn khi chuẩn bị từ năm thứ nhất, để có đủ thời gian tự học thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết.

"Chuẩn bị sớm, kiên trì, tập trung làm cái mình thích thay vì chạy theo xu hướng là những điều quan trọng mình rút ra sau quá trình xin việc", Hà Anh nói.

T.N (theo vnexpress)