Linh kiện quang học của Mitsubishi Electric "cháy hàng" nhờ AI

Mitsubishi Electric đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu đối với các linh kiện quang học được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo.

Nhật Bản tài trợ 470 triệu USD cho 5 công ty phát triển siêu máy tính ứng dụng trí tuệ nhân tạo. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Mitsubishi Electric đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu đối với các linh kiện quang học được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo.

Ông Masayoshi Takemi, Giám đốc điều hành phụ trách mảng bán dẫn và thiết bị của công ty, cho biết sức mạnh tính toán tốc độ cao và khối lượng lớn của trí tuệ nhân tạo(AI) đang thúc đẩy doanh số bán các thiết bị của Mitsubishi Electric. Điểm mạnh của các thiết bị này là tiêu thụ điện năng thấp và tỏa nhiệt ít.

Do nhu cầu lớn, Mitsubishi dự kiến sẽ tăng 50% công suất sản xuất linh kiện quang học so với năm 2023 trong tháng 9/2024.

Theo Mitsubishi Electric, công ty hiện đang kiểm soát gần một nửa thị trường toàn cầu về các thiết bị truyền dẫn quang trong các trung tâm dữ liệu, một phần nhờ khả năng cân bằng giữa tốc độ và đầu ra của các diode laser điều biến hấp thụ điện tử.

Ông Takemi cho biết, có thể nói tất cả các công ty vận hành các trung tâm dữ liệu siêu lớn của Mỹ, hay còn gọi là "hyperscaler", đều là khách hàng của Mitsubishi Electric, tuy nhiên ông không tiết lộ danh tính cụ thể. Mỹ là nơi đặt trụ sở của một số "hyperscaler" lớn nhất thế giới như Amazon.com, Microsoft, Alphabet, Meta Platforms và Apple.

Nhận xét của ông Takemi là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu về cơ sở hạ tầng AI vẫn tiếp tục tăng cao, ngay cả khi các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc định giá tác động của công nghệ này lên doanh số bán hàng tương lai của các công ty.

Ông Takemi cho biết nhu cầu từ năm nhà cung cấp trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Mỹ "rất mạnh" và "vẫn đang tăng trưởng".

Theo công ty nghiên cứu thị trường LightCounting, các trung tâm dữ liệu thế hệ tiếp theo đang hoạt động ở tốc độ từ 800 gigabit mỗi giây đến 1,6 terabit mỗi giây, tăng so với mức khoảng 400 gigabit mỗi giây trước đây.

Linh kiện quang học chỉ chiếm một phần nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh của Mitsubishi Electric, vốn trải rộng từ robot nhà máy đến hệ thống tàu hỏa, vận hành nhà máy điện và thiết bị vệ tinh. Mảng bán dẫn và thiết bị chỉ chiếm chưa đến 4% doanh thu của công ty trong năm tài chính trước, trong đó chất bán dẫn được sử dụng trong máy móc công nghiệp và xe điện chiếm gần 90% con số đó.