Khi "phái đẹp" nhập ngũ có giống nam giới không, được hưởng quyền lợi, ưu tiên gì?

Có những công dân nữ tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2024. Khi "phái đẹp" nhập ngũ có phải thực hiện mọi hoạt động học tập, huấn luyện tương tự như công dân nam hay được ưu tiên? Bên cạnh đó có ý kiến thắc mắc nghĩa vụ quân sự có bắt buộc với nữ giới hay không?

Những ngành, nghề chuyên môn của nữ giới phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân

Giải đáp những thắc mắc này, thượng tá Vương Hải Hà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội, cho biết theo luật Nghĩa vụ quân sự 2015, Điều 6 quy định về nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, thì "công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ".

Ngoài ra, trong Điều 7 về nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị, quy định "công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân".

Điều đó có nghĩa, tham gia nghĩa vụ quân sự không bắt buộc với công dân nữ. Nếu có mong muốn tham gia nghĩa vụ quân sự, công dân nữ cần làm đơn gửi Ban chỉ huy quân sự, trình bày tâm tư, nguyện vọng để được xem xét.

Bùi Thị Phương Ngọc, top 15 Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023 đã tự nguyện đăng ký nhập ngũ sau khi tốt nghiệp ngành luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

 

Theo thượng tá Hà, khi tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, công dân nữ cần đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe, văn hóa theo quy định. Đồng thời còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ. Điều 30 có quy định rõ: "công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Với sinh viên cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi".

Về quy định "ngành, nghề chuyên môn của công dân nữ phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân", thượng tá Hà cho biết được quy định chi tiết tại Điều 3 Nghị định số 14/2016/NĐ-CP.

Đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ bao gồm các ngành, nghề: ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; báo chí và truyền thông; văn thư, lưu trữ; tài chính; kế toán; luật; máy tính và công nghệ thông tin; kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; y dược.

Đối với trình độ cao đẳng, đại học bao gồm: giáo viên sư phạm; nghệ thuật trình diễn; nghệ thuật nghe nhìn; ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; văn thư, lưu trữ, bảo tàng; tài chính; kế toán; luật; máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; kỹ thuật; y dược.

Đối với trình độ trung cấp bao gồm: máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; y dược; tài chính; kế toán; văn thư, lưu trữ, bảo tàng; nghệ thuật trình diễn; nghệ thuật nghe nhìn; hàng không.

 

Chế độ huấn luyện, học tập, ưu tiên…

Thượng tá Vương Hải Hà cho biết chiến sĩ nữ tham gia nghĩa vụ quân sự cũng tuân theo 11 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần tương tự chiến sĩ nam.

11 chế độ đã được quy định, bao gồm: Treo Quốc kỳ; thức dậy; thể dục buổi sáng; kiểm tra sáng; học tập; ăn uống; lau vũ khí, khí tài trang bị; thể thao, tăng gia sản xuất; đọc báo, nghe tin; điểm danh, điểm quân số; ngủ nghỉ.

Còn 3 chế độ trong tuần chỉ thực hiện vào những ngày nhất định, là: chào cờ, duyệt đội ngũ (thứ 2), thông báo chính trị (thứ 2), tổng vệ sinh doanh trại (chiều thứ 7).

Về quyền lợi, thượng tá Hà cho biết khi tham gia nghĩa vụ quân sự, nữ giới được đảm bảo các quyền lợi khi tại ngũ và khi xuất ngũ như nam giới.

Đặc biệt, ngoài chế độ phụ cấp quân hàm được hưởng theo quy định, nếu chiến sĩ nữ phục vụ tại ngũ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ, thì từ tháng 25 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Ngoài ra hàng tháng được hưởng phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với mức lương cơ sở.

Chiến sĩ nữ sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ hoặc đang phục vụ trong ngạch dự bị nếu có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của quân đội, đồng thời tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được tuyển chọn chuyển sang phục vụ theo chế độ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân, viên chức quốc phòng theo quy định của pháp luật.