Bản đồ hành chính huyện Lạng Giang (Bắc Giang) khổ lớn mới 2022

Bản đồ hành chính huyện Lạng Giang giúp chúng ta tra cứu vị trí địa lý, các ranh giới địa lý, hệ thống giao thông, địa hình của địa bàn huyện Lạng Giang chi tiết nhất.

Dưới đây, BANDOVIETNAM.NET tổng hợp tất tần tất các bản đồ hành chính huyện Lạng Giang khổ lớn, phóng to, giúp bạn tra cứu nhanh và chính xác.

Giới thiệu huyện Lạng Giang tại tỉnh Bắc Giang

Lạng Giang là một huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang 10 km. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 246,06 km2, được chia thành 21 đơn vị hành chính gồm 19 xã: An Hà, Dương Đức, Đại Lâm, Đào Mỹ, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Quang Thịnh, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Thanh, Thái Đào, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ và 2 thị trấn Vôi (huyện lỵ), Kép; dân số trên 21 vạn người với 8 dân tộc chung sống là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Mường và Hoa, trong đó người Kinh chiếm 88%.

Huyện Lạng Giang có đường Quốc lộ 1A (tuyến Hà Nội- Lạng Sơn), các tuyến đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn, Kép - Quảng Ninh, Kép – Lưu Xá chạy qua trung tâm và hệ thống các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ chạy đan xen tới các khu dân cư, tạo cho Lạng Giang một mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và giao lưu văn hoá.

Với vị trí địa lý thuận lợi, hiện nay Lạng Giang là một trong 04 huyện, thành phố của tỉnh được xác định là vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội (Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang.

Hiện nay Huyện Lạng Giang có 225 di tích trong đó 105 di tích xếp hạng (19 di tích cấp bộ và 86 di tích cấp tỉnh) Tiêu biểu có các di tích như: du lịch đình, đền, chùa Chu Nguyên (Thị trấn Vôi), cụm di tích Cây Dã Hương gắn với đình, chùa xã Tiên Lục, chùa Quất Lâm (Đại Lâm), đền Từ Mận (Xuân Hương), chùa Đại Phú (thị trấn Vôi), đình, nghè Liên Xương (Xương Lâm), Đình - Chùa Làng Dương Quan Hạ (Dương Đức), chùa Hồng Phúc (Thị trấn Kép), đình Phù Lão (Đào Mỹ).. Lạng Giang vẫn duy trì được các câu lạc bộ văn nghệ mang tính đặc trưng như: Hát Then Soong cô xã Hương Sơn, hát quan họ TDP Phú Độ thị trấn Vôi, CLB chèo xã An Hà và CLB Violon xã Thái Đào. 

Tiếp giáp địa lý: huyện Lạng Giang nằm ở phía bắc tỉnh Bắc Giang thuộc vùng Đông Bắc Bộ và có vị trí địa lý:

  • Phía bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn
  • Phía tây giáp huyện Tân Yên và huyện Yên Thế với ranh giới là sông Thương
  • Phía nam giáp thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng
  • Phía đông giáp huyện Lục Nam.

Địa hình: Địa hình huyện Lạng Giang có cả đồi núi và đồng bằng có thể chia thành 3 dạng chính: Địa hình vùng cao, địa hình vùng thấp và dạng địa hình vùng đồng bằng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, phát triển nền nông nghiệp phong phú đa dạng.

Bản đồ hành chính huyện Lạng Giang mới nhất

Bản đồ hành chính huyện Lạng Giang mới nhất

Bản đồ hành chính huyện Lạng Giang trước ngày 1/3/2020 khi chưa sáp nhập
Bản đồ hành chính huyện Lạng Giang trước ngày 1/3/2020 khi chưa sáp nhập

 Thông tin cơ bản huyện Lạng Giang tại tỉnh Bắc Giang

Từ những ngày đầu triều các vua Hùng, Lạng Giang chưa thành tên gọi. Địa phận của huyện thuộc đất Kê Từ (bao gồm địa giới hành chính các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn ngày nay) nằm trong lộ Vũ Ninh. Tên Kê Từ tồn tại suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc; đến thế kỷ 11, được đổi là châu Lạng thuộc lộ Bắc Giang.

Năm 1407, châu Lạng đổi thành phủ Lạng Giang, gồm 2 châu: Châu Lạng Giang và châu Thượng Hồng, cai quản 10 huyện, trong đó có huyện Bảo Lộc chính là đất Lạng Giang ngày nay và một phần của huyện Lục Nam; trụ sở đặt tại làng Chu Nguyên (thị trấn Vôi ngày nay).

Năm 1889, chính quyền Pháp thành lập tỉnh Lục Nam, huyện Bảo Lộc thuộc tỉnh Lục Nam.

Ngày 8 tháng 9 năm 1891, tỉnh Lục Nam giải thể, huyện Bảo Lộc trả về tỉnh Bắc Ninh.

Dưới triều Thành Thái nhà Nguyễn (1889-1907), huyện Bảo Lộc đổi thành huyện Phất Lộc.

Năm 1924, chính quyền Pháp đổi huyện Phất Lộc thành phủ Lạng Giang, gồm 13 tổng: Cần Dinh, Đa Mai, Thọ Xương, Đào Quán, Dĩnh Kế, Thịnh Liệt, Lan Mẫu, Trí Yên, Mỹ Cầu, Phi Mô, Mỹ Thái, Thái Đào, Xuân Đám. Phủ lỵ đặt tại phủ Lạng Thương (phố Tiền Giang, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang ngày nay). Phủ Lạng Giang bao gồm toàn bộ lãnh thổ huyện Lạng Giang ngày nay cùng các xã, phường: Lan Mẫu của huyện Lục Nam; Lão Hộ, Hương Gián, Lãng Sơn, Trí Yên, Đức La, Tam Kỳ, Tân An, Xuân Phú của huyện Yên Dũng; Thọ Xương, Dĩnh Kế, Mỹ Độ, Song Mai, Đa Mai, Song Khê, Tân Mỹ, Tân Tiến của thành phố Bắc Giang ngày nay.

Ngày 25 tháng 3 năm 1948, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 148-SL, bãi bỏ các danh từ, phủ, châu, quận để thống nhất gọi là huyện. Thực hiện Sắc Lệnh của Chủ tịch nước, phủ Lạng Giang gọi là huyện Lạng Giang. Huyện Lạng Giang khi đó có 30 xã: An Hà, Bảo Đài, Bảo Sơn, Đại Lâm, Đào Mỹ, Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Dương Đức, Hòa Bình A, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Phi Mô, Phương Sơn, Quang Thịnh, Tam Dị, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Lập, Tân Thanh, Tân Thịnh, Thái Đào, Tiên Hưng, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ.

Ngày 21 tháng 1 năm 1957, tách 7 xã: Hoà Bình A, Tam Dị, Bảo Đài, Bảo Sơn, Tiên Hưng, Phương Sơn, Tân Lập để thành lập huyện Lục Nam. Huyện còn lại 23 xã: An Hà, Đại Lâm, Đào Mỹ, Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Dương Đức, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Phi Mô, Quang Thịnh, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Thanh, Tân Thịnh, Thái Đào, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ.

Ngày 19 tháng 10 năm 1959, thành lập thị trấn Kép trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Tân Thịnh.

Ngày 8 tháng 3 năm 1967, thành lập thị trấn nông trường Bố Hạ trực thuộc huyện Lạng Giang.

Ngày 3 tháng 5 năm 1985, xã Dĩnh Kế được sáp nhập vào thị xã Bắc Giang.

Huyện Lạng Giang còn lại thị trấn Kép, thị trấn nông trường Bố Hạ và 22 xã: An Hà, Đại Lâm, Đào Mỹ, Dĩnh Trì, Dương Đức, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Phi Mô, Quang Thịnh, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Thanh, Tân Thịnh, Thái Đào, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ.

Ngày 22 tháng 12 năm 1997, thành lập thị trấn Vôi, thị trấn huyện lỵ huyện Lạng Giang trên cơ sở 335,87 ha diện tích tự nhiên và 4.560 nhân khẩu của xã Yên Mỹ.

Ngày 12 tháng 7 năm 2007, giải thể thị trấn nông trường Bố Hạ, địa bàn nhập vào xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang và các xã Đông Sơn, Đồng Hưu, huyện Yên Thế.

Ngày 27 tháng 9 năm 2010, xã Dĩnh Trì được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang.

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Phi Mô vào thị trấn Vôi và sáp nhập xã Tân Thịnh vào thị trấn Kép.

Huyện Lạng Giang có 2 thị trấn và 19 xã như hiện nay.

Bên trên là những hình ảnh bản đồ huyện Lạng Giang khổ lớn, phóng to do đội ngũ BANDOVIETNAM.NET tổng hợp. Chúng tôi chúc bạn tìm được bản đồ khổ lớn cần tìm, chúc các bạn thành công hơn.
 

Xem thêm: Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Lạng Giang mới nhất