Ngày vía Thần Tài được xem là dịp để cầu mong may mắn, tài lộc trong năm mới.
![](https://bandovietnam.net/media/article/ldgthan-tai-thumb.jpg)
Ngày vía thần Tài tháng Giêng được những người kinh doanh, buôn bán rất coi trọng; ngày vía thần Tài 2025 là ngày nào Dương lịch và rơi vào thứ mấy?
Ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng được xem như là ngày cúng vía thần Tài. Trong đó, ngày vía thần Tài vào tháng Giêng được coi trọng nhất trong năm; vì thế nếu nói đến ngày vía thần Tài là nói về ngày mùng 10 tháng Giêng. Đây là ngày mà những người kinh doanh, buôn bán thắp hương, dâng lễ cúng thần Tài để cầu một năm làm ăn phát đạt.
Ngày vía Thần Tài là ngày nào dương lịch?
Thông tin trên vietnamnet, Ngày vía Thần Tài là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt đối với những người làm kinh doanh, buôn bán. Ngày này được xem là dịp để mọi người cầu mong may mắn, tài lộc trong năm mới.
Năm 2025, ngày vía Thần Tài là 10/1 âm lịch, tương ứng với thứ Sáu ngày 7/2 dương lịch.
Vào ngày vía Thần Tài, hầu hết các gia đình, công ty, cửa hàng… sẽ sắm lễ vật để cúng, cầu xin một năm mới may mắn, làm ăn thịnh vượng.
Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, gia chủ nên lau dọn bàn thờ Thần Tài sạch sẽ, gọn gàng. Sau đó, gia chủ chuẩn bị đồ cúng tươm tất, đủ đầy.
Dân gian truyền miệng rằng, Thần Tài rất thích món cua biển và thịt lợn quay, chuối chín vàng. Vì vậy, vào ngày vía Thần Tài, gia chủ nên làm mâm cúng mặn để dâng.
Ngay từ sáng mùng 10 tháng Giêng, các gia đình nên có những việc làm biểu thị sự chào đón Thần Tài, chào đón tài lộc.
Gia chủ nên tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và mở tất cả các cửa nhà, cửa sổ đối diện với hướng Tây (hướng Tài Lộc) để đón nhận nguồn năng lượng tích cực và tài lộc cho cả nhà.
Cuối cùng, theo cha ông ta từ xưa, người dân muốn năm mới được may mắn, công việc hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc rủng rỉnh nên mua vàng vào ngày vía Thần Tài hàng năm để lấy may.
Vì vậy, trong ngày vía Thần tài, rất nhiều người dân đổ xô ra các tiệm vàng để mua vàng về tích trữ và cúng trên bàn thờ Thần tài.
Theo VTC, Lễ vật cúng thần Tài gồm:
- Bộ tam sên với 3 món: 300gr thịt heo (có thể luộc hoặc quay), 3 quả trứng luộc (trứng gà hoặc trứng vịt) và 3 con tôm hoặc cua luộc.
- Cá lóc nướng: Đây là lễ vật cúng thần Tài đặc trưng ở miền Nam. Cá lóc phải để nguyên con, đem đi nướng trui. Việc để nguyên như vậy là để người miền Nam tưởng nhớ ông cha trong buổi đầu khai hoang còn rất thiếu thốn, không nề hà chuyện để cá nguyên vảy, cả con.
- Mâm ngũ quả: Có thể chọn các quả như cam, xoài, thanh long, táo, dưa hấu...
- Hoa tươi có màu sắc rực rỡ (hoa cúc, hoa ly...)
- Vàng mã, gạo, muối hột.
Một điều đặc biệt trong việc thờ cúng thần Tài là bàn thờ thường được đặt ở vị trí thấp, gần mặt đất, thay vì đặt trên cao, ở nơi tôn nghiêm như bàn thờ gia tiên và các vị thần linh khác.
Vì sao có tục mua vàng ngày vía Thần Tài?
Theo niềm tin dân gian, thần Tài mang lại sự may mắn về tiền tài, giúp kinh doanh phát đạt. Nhiều người tin rằng việc thờ thần Tài có thể giúp cải thiện vận may và tăng cường sự giàu có, mua vàng vào ngày vía thần Tài là cách lấy may, giúp "gom" tài lộc cho bản thân trong cả năm.
Vàng từ lâu đã được coi là biểu tượng của sự vĩnh cửu và phú quý. Mua vàng trong ngày vía thần Tài cũng là cách nhiều người gửi gắm niềm tin vào sự bảo trợ của vị thần này, đem lại một năm thuận lợi và thịnh vượng.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng ngày vía thần Tài cũng liên quan tới việc đầu tư cá nhân. Vàng luôn được coi là một tài sản an toàn, giữ vững giá trị qua thời gian, mua vàng cũng là cách bảo vệ tài sản trước sự biến động của các loại tiền tệ. Người Việt từ xa xưa đã thích tích cóp bằng cách mua vàng.