Trong khi nhiều doanh nghiệp có mức thưởng Tết khá cho người lao động thì cũng không ít doanh nghiệp phải loay hoay tính toán, lo lắng chỉ có thể thưởng tượng trưng.
"Cố gắng thưởng 1 triệu đồng/người kèm quà", đó là chia sẻ của ông Vũ Thế Hà, Giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm, chuyên đóng gói hộp quà tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, khi nói về phương án thưởng Tết Ất Tỵ 2025 cho người lao động.
"Do năm nay kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh thu không lớn nên doanh nghiệp của chúng tôi chỉ có thể tặng mỗi người lao động một gói quà thực phẩm gồm 20 quả trứng, 1 chai rượu vang, 1 gói bánh, 1 chai dầu ăn 2 lít và 1 triệu đồng tiền mặt", ông Hà nói.
Theo ông Hà, món quà Tết tuy không nhiều nhưng thể hiện sự động viên, khích lệ của doanh nghiệp đối với người lao động: "Chúng tôi cũng mong người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm tới để cùng phát triển. Mức thưởng Tết như trên cũng đã là sự cố gắng lớn của chúng tôi. Vì với khoảng 230 nhân sự, khoản chi thưởng Tết của doanh nghiệp đã lên đến vài trăm triệu đồng".
Tương tự, ông Trần Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng số 6 (TP Phủ Lý, Hà Nam) cũng đang "nhắm" đến mức thưởng này cho công nhân của doanh nghiệp mình. “Chúng tôi biết đây chỉ là mức thưởng mang tính tượng trưng, rất ít ỏi nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được như vậy. Mong rằng những khó khăn sẽ sớm qua đi và sang năm 2025, mức thưởng Tết sẽ được cải thiện", ông Ngọc kỳ vọng.
Ông Ngọc cho biết, trong năm qua, doanh nghiệp của ông đã phải cho nhiều lao động nghỉ việc. Nguyên nhân là do các đối tác phá vỡ hợp đồng, không cung cấp được đá, cát và vật liệu xây dựng khi bị cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác vượt định mức, khối lượng, diện tích cho phép. Điều này khiến doanh nghiệp của ông Ngọc bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo vì không có nguồn cung và phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự. Theo ông Ngọc, đây là khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp xây dựng.
Cũng rơi vào hoàn cảnh trên, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng, khai thác mỏ có trụ sở tại Hà Nội, cũng đã phải cắt giảm hơn 50% lao động chỉ trong vài tháng. “Doanh nghiệp của tôi từ hơn 200 lao động nay đã giảm hơn 50% do gặp khó khăn về khai thác. Nhưng dù vậy, tôi sẽ vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động, không nhiều thì ít. Tôi dự kiến mỗi người được 2 - 3 triệu đồng", ông Đạt nhẩm tính.
Theo ông, khó khăn thì đã khó khăn rồi, doanh nghiệp chấp nhận thâm hụt chút nữa để lo khoản thưởng Tết cho công nhân vì cả năm làm việc vất vả cũng chỉ trông chờ vào cái Tết. Có như thế, họ mới yên tâm gắn bó với doanh nghiệp trong năm sau, từ đó góp sức giúp phục hồi dần như trước.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp thừa nhận vẫn chưa thể tính đến chuyện thưởng Tết cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Trường, chủ doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa tái chế tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, ông và dàn lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa có phương án khả thi để thưởng Tết cho hơn 200 lao động của công ty do năm 2024 doanh số sụt giảm mạnh. "Duy trì, cố gắng không nợ lương đã là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp rồi", ông Trường chia sẻ.
Còn một lãnh đạo thuộc ngành sản xuất bánh kẹo tiết lộ, năm nay, áp lực chi phí, suy giảm nhu cầu tiêu dùng và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu khiến doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều thách thức, chật vật giữ dòng tiền, vì thế càng khó khăn trong việc chi trả các khoản thưởng lớn như thưởng Tết.
Nhiều đơn vị đã phải lên phương án sử dụng hàng hóa dư thừa để chuyển sang làm quà Tết nhằm tiết kiệm chi phí, duy trì hoạt động. Đồng thời có thể tăng ngày nghỉ hoặc tổ chức các sự kiện nội bộ cho người lao động nhằm bù đắp khoản tiền thưởng Tết ít ỏi.
"Doanh nghiệp nào cũng muốn thưởng Tết cho người lao động. Nhưng trong bối cảnh khó khăn thì việc trụ vững là mục tiêu quan trọng nhất. Doanh nghiệp có tồn tại thì người lao động mới có việc làm và được hưởng lương. Vì thế, tôi tin rằng người lao động khi nhận khoản thưởng Tết hạn chế, dù có thể chạnh lòng nhưng vẫn sẽ thông cảm cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, không phải năm nào thưởng Tết cũng như nhau. Doanh nghiệp đã kinh doanh trên thương trường thì phải chấp nhận có năm thắng, có năm thua, tùy thuộc vào thị trường và nhiều yếu tố khác", vị lãnh đạo nêu ý kiến.
TN/VTC