Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thành Phố Châu Đốc đến năm 2030 giúp bạn tra cứu định hướng sử dụng quỹ đất khu vực Thành Phố Châu Đốc chi tiết, nhằm giảm tránh được những rủi ro không đáng có khi đầu tư bất động sản Châu Đốc, tiết kiệm thời gian đi lại.
Dưới đây, BANDOVIETNAM.NET cập nhật mới nhất Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thành Phố Châu Đốc đến năm 2030 chi tiết.
Thành Phố Châu Đốc có diện tích đất 105,23 km² nằm trên bờ sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 210 km về phía tây, cách thành phố Cần Thơ khoảng 115 km và thành phố Long Xuyên khoảng 55 km về phía tây bắc theo Quốc lộ 91 và có vị trí địa lý:
- Phía bắc giáp huyện An Phú và biên giới với Campuchia
- Phía đông giáp huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu
- Phía nam giáp huyện Châu Phú
- Phía tây giáp Campuchia
- Phía tây nam giáp huyện Tịnh Biên.
Thành Phố Châu Đốc có 7 đơn vị hành chính, bao gồm 5 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, Núi Sam, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Nguơn và 2 xã: Vĩnh Châu, Vĩnh Tế được chia thành 52 khóm - ấp.
Quy hoạch giao thông Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nội ô, nâng cấp, mở rộng, nối dài các tuyến đường trong trung tâm thành phố. Thành phố sẽ nâng cấp Quốc lộ 91 từ 4 làn xe lên 10 làn xe.
Quy hoạch tuyến N1 nối kết thành phố với các tỉnh,thành khu vực Nam Bộ. Trong tương lai gần sẽ có tuyến cao tốc Sóc Trăng – Cần Thơ – Khánh Bình đi qua thành phố.
Quy hoạch phát triển Kinh tế – Công nghiệp Thành Phố Châu Đốc
Với tiềm năng là một thành phố du lịch nên thương mại-dịch vụ của thành phố là một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thành phố. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, các trung tâm mua bán phân bố rộng khắp trên địa bàn thành phố. Hàng hóa phân bố rộng khắp đến các địa bàn trong thành phố. Dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng phát triển, với một chuỗi các khách sạn, nhà hàng lớn như Victoria Châu Đốc (4,5 sao), Victoria Núi Sam (3 sao), Châu Phố (3 sao), Bến Đá (3 sao), Đông Nam (2 sao), Song Sao (2 sao), Trung Nguyễn (2 sao), Hải Châu (2 sao),…
Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành phố quan tâm đầu tư và phát triển đã giải quyết một phần cho lao động nhàn rỗi nông thôn.
Các dự án phát triển kinh tế điển hình như:
- Dự án nâng cấp, mở rộng Tân Lộ Kiều Lương (trục Châu Đốc – Núi Sam)
- Dự án khu đô thị mới Thành phố lễ hội
- Dự án trung tâm văn hóa – thể thao thành phố Châu Đốc
- Dự án khu đô thị Ngọc Hầu
- Dự án biệt thự vườn Thoại Ngọc Hầu
- Dự án cầu Châu Đốc (nối Châu Đốc – Tân Châu)
- Dự án công viên văn hóa Núi Sam
- Dự án nhà văn hóa – truyền thống khu di tích lịch sử Núi Sam
- Dự án cao tốc Châu Đốc – Tịnh Biên.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thành Phố Châu Đốc đến năm 2030
Quy hoạch sử dụng đất Thành Phố Châu Đốc
Về quy hoạch, Mới đây UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thành phố Châu Đốc với những nội dung và phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 gồm:
- iện tích, cơ cấu các loại đất
- Diện tích chuyển mục đích đất sử dụng
- Diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng cho các mục đích cụ thể
- Danh mục các công trình thực hiện trong kỳ quy hoạch
Vị trí, diện tích các khu vực chuyển quy hoạch sử dụng đất được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, thành phố Châu Đốc.
Phương án quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh An Giang phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện giao đất, cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Điều chỉnh quy hoạch thành phố Châu Đốc đến năm 2035
UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 3093 /QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đến năm 2035.
Theo Quyết định, Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Châu Đốc bao gồm 5 phường và 2 xã
với quy mô diện tích tự nhiên là 10.523 ha. Có tứ cận như sau:
- Phía Đông Bắc: giáp Sông Hậu và huyện An Phú;
- Phía Đông Nam: giáp huyện Châu Phú;
- Phía Tây Bắc: giáp Cam-pu-chia;
- Phía Tây Nam: giáp huyện Tịnh Biên
Mục tiêu, tính chất lập quy hoạch thành phố Châu Đốc đến 2035
Quy hoạch thành phố Châu Đốc trong định hướng phát triển các trục hành lang kinh tế – quốc phòng dọc biên giới của Tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng là đô thị trong vùng phát triển du lịch, liên kết các tuyến, điểm du lịch trong nước và quốc tế.
Quy hoạch chung thành phố Châu Đốc nhằm cụ thể hóa quy hoạch Vùng tỉnh An Giang, Quy hoạch Phát triển kinh tế – xã hội tỉnh An Giang và các định hướng phát triển trong tương lai của toàn tỉnh.
- Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai, đảm bảo phù hợp với quy ô và tính chất của đô thị.
- Quy hoạch thành phố Châu Đốc được xác định với tính chất là trung tâm kinh tế, đô thị du lịch, thương mại dịch vụ vùng biên giới Tây
- Nam và là đô thị thứ 2 của tỉnh. Là đầu mối giao thông thuỷ, bộ của khu vực; điểm trung chuyển hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Campuchia. Là đô thị có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị thành phố Châu Đốc
Cấu trúc đô thị thành phố Châu Đốc được xác định theo hướng “Đa Trung Tâm Liên Kết Chuỗi Đặc Thù” phát triển đô thị bám theo
cấu trúc tự nhiên và đô thị hiện hữu:
– 02 hành lang giao thông đường Thủy – Bộ với các chức năng đặc thù:
+ Kênh Vĩnh Tế – du lịch sông nước – hành lang nghệ thuật;
+ QL 91 – huyết mạch giao thông, hành lang xanh kinh tế.
– 02 trục đô thị trung tâm, kết nối các khu vực đặc thù:
+ Trục ven sông Hậu – sông Châu Đốc: cảnh quan sông nước vùng đầu nguồn kết nối mềm với bờ An Phú và Tân Châu với đô thị thấp tầng, mật độ thấp.
+ Trục Tân lộ Kiều Lương kết nối 03 trung tâm đặc thù gồm: Có 03 trung tâm tâm đặc thù chính như: TT du lịch – khu Núi Sam; TT Đô thị lịch sử – Hành chính – Thương mại hiện hữu dọc sông; TT Văn hóa – Thể thao – Nghệ thuật ở giữa. Có 03 Trung tâm phụ như: 01 TT Phường Vĩnh Ngươn – Kinh tế cửa khẩu; 02 TT Xã Vĩnh Châu – Vĩnh Tế – nông nghiệp kỹ thuật cao – tiểu thủ công nghiệp sạch – bền vững.
Định hướng quy hoạch phân khu các khu vực phát triển: Toàn thành phố được quy hoạch thành 7 phân khu ứng 7 đơn vị hành chính cấp phường (xã). Cụ thể như sau:
1. Phân khu 1: Phường Châu Phú A – Khu đô thị Trung tâm lịch sử hiện hữu.
- Quy mô phát triển: diện tích 524 ha; dân số: 35.000 người.
- Định hướng phát triển không gian: Chỉnh trang cải tạo và hình thành khu phố cũ với hạt nhân là chợ Châu Đốc, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phát triển không gian đặc sắc biến đổi bám theo không gian chợ – ngã ba kênh Vĩnh Tế, sông Châu Đốc – dọc kênh Vĩnh Tế. Mở rộng không gian bằng khu công viên kết nối không gian này với dòng kênh Vĩnh Tế.
2. Phân khu 2: Phường Châu Phú B – Khu trung tâm hành chính, hướng đến phát triển bền vững với lõi cây xanh và phát triển sinh thái đô thị.
- Quy mô phát triển: diện tích 1.154 ha; dân số: 37.500 người.
- Định hướng phát triển không gian: Đây là khu vực tạo sự sầm uất trong tương lai cho Châu Đốc, hình thành các trung tâm thương mại kế bên khu trung tâm cũ để kết nối về kinh tế, văn hóa và hoạt động đô thị.
3. Phân khu 3: Phường Núi Sam – Trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
- Quy mô phát triển: diện tích 1.393 ha; dân số: 28.600 người.
- Định hướng phát triển không gian: Lấy Núi Sam làm điểm nhấn cảnh quan, phát triển du lịch quanh Núi Sam, khai thác các giá trị cảnh quan ven kênh, hình thành nên các khu du lịch sinh thái về phía Bắc – Tây Bắc và phía Đông Nam Núi Sam. Phát triển khu trung tâm Thương mại dịch vụ du lịch hai bên Tân Lộ Kiều Lương, kết nối với Trung tâm dịch vụ du lịch khu chợ Vĩnh Đông để hình thành khu
vực cửa ngõ sầm uất của khu du lịch.
4. Phân khu 4: Phường Vĩnh Mỹ – Khu đô thị cửa ngõ, hiện đại, thương mại dịch vụ
- Quy mô phát triển: diện tích 799 ha; dân số: 20.300 người.
- Định hướng phát triển không gian: Phát triển các đô thị mới hiện đại với trung tâm đô thị là các công trình công cộng, thương mại dịch vụ.
5. Phân khu 5: Phường Vĩnh Ngươn – Khu đô thị kinh tế của khẩu
- Quy mô phát triển: diện tích 943 ha; dân số: 9.700 người.
- Định hướng phát triển không gian: Phát triển đô thị tuyến tính, bố trí dọc theo cảnh quan ven sông Hậu theo đường Tuy Biên tạo động lực kết nối và kích thích phát triển huyện An Phú. Hình thành khu vực phát triển kinh tế cửa khẩu, góp phần gia tăng hiệu quả
kinh tế cho thành phố. Kết nối không gian đô thị khu vực này với khu đô thị cũ phường Châu Phú A để hình thành một quần thể du lịch mang tính lịch sử và sông nước dân gian Nam Bộ.
6. Phân khu 6: Xã Vĩnh Tế – Khu đô thị mật độ thấp, hoạt động tiểu thủ công nghiệp.
- Quy mô phát triển: diện tích 3.421 ha; dân số: 8.300 người.
- Định hướng phát triển không gian: Phát triển dựa trên cấu trúc trung tâm Xã Vĩnh Tế hiện hữu, phát triển dân cư theo tuyến quốc lộ 91. Hình thành khu vực tiểu thủ công nghiệp ven kênh Cầu Ba Nhịp, bố trí kết hợp cảng hàng hóa trên kênh Vĩnh Tế phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng. Hình thành thêm 01 cửa khẩu biên giới gần kênh Thị Đội II. Định hướng tuyến cao tốc Sóc Trăng- Cần Thơ – Châu Đốc theo quy hoạch giao thôn của tỉnh An Giang. Bố trí bãi xe tập trung ven tuyến tránh QL91, hình thành nơi đón tiếp khách
du lịch cho Khu du lịch quốc gia Núi Sam.
7. Phân khu 7: Xã Vĩnh Châu – Khu dân cư nông thôn mật độ thấp và phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao.
- Quy mô phát triển: diện tích 2.289 ha; dân số: 5.100 người.
- Định hướng phát triển không gian: Phát triển dân cư theo tuyến kênh hiện hữu. Phát triển nông nghiệp chuyên canh hướng đến nông nghiệp bền vững.
Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Châu Đốc
Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị The New City, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khu đô thị The New City hoàn thiện sẽ giúp đô thị thành phố Châu Đốc khang trang hơn. Vị trí khu đô thị được xác định theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2021 thành phố Châu Đốc.
Về quy hoạch phân vùng cảnh quan: gồm 3 phân vùng sau:
1. Vùng cảnh quan sông nước: Gồm 6 khu vực như:
- Khu vực 1: trục làng nổi với chức năng là không gian nghỉ dưỡng.
- Khu vực 2: nhà phố ven sông với chức năng không gian trải nghiệm.
- Khu vực 3: quảng trường trung tâm và không gian công cộng.
- Khu vực 4: công viên sinh thái ngập nước đặc trưng Nam Bộ.
- Khu vực 5: trục ẩm thực ven sông.
- Khu vực 6: khu vực cửa ngõ tôn giáo
2. Vùng cảnh quan trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể thao: Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ hướng đến kết nối các không gian ở 2 bên đường Tân Lộ Kiều Lương.
3. Vùng cảnh quan bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh Núi Sam: Gồm 4 khu vực sau:
- Khu vực 1: mang tính chất động (từ nút giao thông Tân Lộ Kiều Lương – Châu Thị Tế đến hết ngã ba đường Tân Lộ Kiều Lương đến đường Châu Thị Tế)
- Khu vực 2: mang tính chất tĩnh (khu vực xung quanh kênh Bảy)
- Khu vực 3: mang tính chất tĩnh (khu vực xung quanh đường Vòng Núi Sam và Núi Sam)
- Khu vực 4: mang tính chất động (khu vực xung quanh Quảng trường lễ hội nối liền với cánh đồng nghệ thuật).
Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thành phố Châu Đốc
Giao thông đối ngoại
Đường bộ:
- Đường Tôn Đức Thắng (QL91): từ Kênh Đào đến đường tránh N1 Phương, gồm 02 đoạn:
- + Đoạn từ Kênh Đào đến chùa Đức Linh đến: MC D-D, lộ giới 32m (6-20-6).
- + Đoạn từ chùa Đức Linh đường tránh N1: MC D1-D1, lộ giới 44,6m (3-6,6- 3-6-20-6).
- Đường tránh quốc lộ 91: Trùng với đường N1 (qua Tân Châu) và đoạn nối Châu Đốc – Núi Sam – Tịnh Biên), gồm 02 đoạn:
- +Đoạn từ Tôn Đức Thắng đến đường Mậu Thân (kênh Hòa Bình): lộ giới 55m (5-6-3-6-3-9-3-6-3-6-5), lòng đường (9+6+6), dãy cách ly (6+6)
- +Đoạn từ đường Mậu Thân (kênh Hòa Bình) đến hết đường tránh: lộ giới 79m (5-7-55-7-5), hiện tại đã xây dựng đường tránh lòng đường 9m.
- Đường tỉnh 55A: dọc theo kênh Vĩnh Tế. MC 2A-2A, Lộ giới 30m (5-20-5).
- Đường dẫn vào cầu Cồn Tiên: liên kết khu vực phía Tây với phía Đông Bắc nối với QL91C qua thị trấn An Phú, gồm 04 các đoạn:
- + Đoạn có MC 1A-1A, lộ giới 35m (6-23-6)
- + Đoạn có MC 1B-1B, lộ giới 35m (6-10,5-2-10,5-6), phân cách 2m
- + Đoạn có MC 10-10, lộ giới 22m (5-12-5)
- + Đoạn có MC 6A-6A, lộ giới 28m (8-12-8)
- Đường quốc lộ N1: đoạn từ Tôn Đức Thắng đến cầu Châu Đốc mặt cắt E-E, lộ giới 24m (5-14-5), khoảng lùi (0÷8m)
- Đường Cao tốc (Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc) MC H-H, lộ giới 32,25m (15-2,25-15).
- Đường tuần tra biên giới: chạy dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia, nằm trên địa bàn phường Vĩnh Nguơn và xã Vĩnh Tế, mặt cắt 11A-11A, lộ giới 20m (3-14-3).
Bến xe:
- Khu vực thành phố có bến xe chính là bến xe Châu Đốc, nằm cạnh tuyến đường tránh quốc lộ 91 tại Châu Phú B.
- Bố trí thêm một bãi đỗ xe tại khu vực gần chân núi Sam, nằm cạnh tuyến đường tránh quốc lộ 91.
- Hệ thống bãi đỗ xe được quy hoạch nằm rải rác cạnh tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương, tại các khu vực quan trọng, đông du khách như khu vực núi Sam, khu vực công viên, khu siêu thị, dịch vụ.
Giao thông đường thủy:
- Tiến hành nạo vét, gia cố toàn bộ hệ thống kênh rạch.
- Duy trì hoạt động của bến phà Châu Giang đến khi xây dựng xong cầu Châu Đốc.
- Mở mới cảng du lịch, cảng hàng hóa nằm rải rác trên sông Hậu, sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, kênh Bờ Sáng và kênh Đào.
- Bố trí bến tàu du lịch tại chân Núi Sam, thuộc kênh Bờ Sáng
Hệ thống phát triển giao thông được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 thành phố Châu Đốc.
Đề xuất các dự án chiến lược nhằm thực hiện các chiến lược quy hoạch thành phố Châu Đốc
- Phát triển du lịch sông nước kết hợp di tích văn hóa lịch sử khu ngã 3 sông Hậu – sông Châu Đốc – kênh Vĩnh Tế;
- Phát triển quần thể du lịch Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Du lịch văn hóa tâm linh – du lịch nghỉ dưỡng – phố đi bộ;
- Xây dựng cầu Châu Đốc nối liền TP Châu Đốc và TX Tân Châu;
- Chỉnh trang cảnh quan – bến tàu du lịch kênh Vĩnh Tế – kênh Bờ xáng;
- Đầu tư phát triển đô thị sinh thái – Phường Vĩnh Mỹ và lõi xanh trung Tâm phường Châu Phú B;
- Đầu tư phát triển khu văn hóa – thể thao – công viên sinh thái phường Châu Phú A và Châu Phú B;
- Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Ngươn và Vĩnh Tế;
- Phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao.