Tính đến 17h ngày 1-3, có khoảng 140 đại học, trường đại học, học viện công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2024.
Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị tổ chức
Trong đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dành 70% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Học viện Tài chính "hạ chuẩn" xét kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy...
Nhiều chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Ngày 1-3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024.
Năm nay học viện tuyển 2.050 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm ngoái. Đáng chú ý, học viện dành đến 70% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia chương trình đào tạo thành 4 nhóm, gồm ngành báo chí; ngành lịch sử; ngành về truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế; và các ngành khác.
Học viện giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh như năm ngoái, gồm xét học bạ (15%), xét tuyển kết hợp (15%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (70%).
Với phương thức xét tuyển kết hợp, thí sinh cần đạt từ 6.5 IELTS, SAT tối thiểu 1.200/1.600, điểm học bạ 5 kỳ (trừ kỳ II lớp 12) từ 7,0 trở lên, hạnh kiểm bậc THPT xếp loại tốt.
Nếu xét tuyển nhóm ngành báo chí, điểm trung bình 5 học kỳ môn ngữ văn phải đạt từ 7 trở lên. Thí sinh xét tuyển các chương trình đào tạo trong nhóm ngành quan hệ quốc tế, truyền thông quốc tế, quan hệ công chúng, quảng cáo, ngôn ngữ Anh, xã hội học, xuất bản, điểm trung bình 5 học kỳ môn tiếng Anh đạt tối thiểu 7 trở lên.
Năm 2024 - 2025 mức học phí dự kiến được Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra với các chương trình đại trà là 506.900 đồng/tín chỉ.
Đối với các ngành (thu phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật) như quảng cáo, quan hệ công chúng chuyên nghiệp, quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế, thông tin đối ngoại, ngôn ngữ Anh, xã hội học, biên tập xuất bản là 1.058.200 đồng/tín chỉ.
Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị như triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, được miễn học phí.
Bảng quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế môn tiếng Anh được Học viện Báo chí và Tuyên truyền áp dụng năm 2024
Theo đề án tuyển sinh của Học viện Tài chính, năm nay học viện tuyển 4.500 sinh viên. Trong đó, học viện dành 3.100 chỉ tiêu cho các chương trình chuẩn, 1.280 chỉ tiêu chương trình đào tạo định hướng chứng chỉ quốc tế và 120 chỉ tiêu cho chương trình liên kết.
Năm nay, Học viện Tài chính tiếp tục giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh so với năm ngoái, gồm tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét học bạ; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024; xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp; dùng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.
Riêng với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, năm nay học viện có thay đổi "hạ chuẩn".
Theo đó điểm sàn xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 90/150 (năm ngoái 100/150), điểm sàn xét điểm đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là 60/100 (năm ngoái 75/100).
Năm ngoái, điểm chuẩn trúng tuyển vào Học viện Tài chính với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành có điểm chuẩn cao nhất là hải quan và logistics - 35,51 điểm (chương trình chất lượng cao, môn tiếng Anh nhân hệ số 2).
Ở chương trình chuẩn, ngành có điểm chuẩn cao nhất là quản trị kinh doanh với 26,17 điểm.
Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm chuẩn cao nhất là 29,5 với các ngành: tài chính doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng 3, hệ thống thông tin quản lý.
Trường đại học Ngoại ngữ tăng chỉ tiêu xét tuyển
Ngày 1-3, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết năm nay trường dự kiến tuyển 2.350 sinh viên, tăng 15% so với năm 2023, trong đó nhà trường dành 1.750 chỉ tiêu cho 9 chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ, 250 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo trình độ sư phạm, 350 chỉ tiêu chương trình đào tạo quốc tế.
Năm nay, Trường đại học Ngoại ngữ giữ ổn định bốn phương thức xét tuyển, gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển 400 chỉ tiêu; xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ 400 chỉ tiêu; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội kèm thêm tiêu chí phụ 200 chỉ tiêu; xét điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 1.000 chỉ tiêu.
Ở phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, trường xét thí sinh có chứng chỉ VSTEP (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) từ B2 trở lên, do trường tổ chức và điều kiện tổng điểm 2 môn thi còn lại đạt tối thiểu 14 điểm.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5, TOEFL iBT tối thiểu 72.
Thí sinh có chứng chỉ SAT tối thiểu 1.100/1.600, điểm ACT tối thiểu 22/36 trở lên.
Thí sinh có chứng chỉ A-Level, trong đó bắt buộc có toán hoặc ngữ văn theo các tổ hợp, đạt từ 60/100.
Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh đăng ký cần có điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ đạt từ 6, và điểm bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 80/150 điểm trở lên, hoặc điểm bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đạt từ 750/1200 điểm