Giá nhà liền kề và biệt thự Hà Nội lại nóng

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), kết thúc quý III, giá bán biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội đều có xu hướng tăng mạnh 7 - 10% so với quý II.

Còn theo báo cáo của CBRE Việt Nam, 9 tháng đầu năm chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc nhà liền thổ ((liền kề, biệt thự) với tổng nguồn cung đạt hơn 3.500 căn, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Lượng giao dịch của phân khúc này cũng tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong quý III, với hơn 2.500 căn được bán ra, gấp gần 5 lần so với quý trước. Giá bán sơ cấp trung bình quý đạt 235 triệu đồng/m2, tăng 16% theo quý và gần 27% theo năm.

Khảo sát trên một số trang mua bán nhà đất cũng cho thấy, giá của nhiều căn liền kề, biệt thự đang tăng mạnh. Đơn cử, nhà biệt thự, liền kề tại Khu đô thị The Phoenix Garden (huyện Đan Phượng) được rao bán trên dưới 70 triệu đồng/m2, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2023. 

Giá nhà liền kề, biệt thự Hà Nội đang tăng mạnh. (Ảnh minh họa: MD).

Hay giá rao bán biệt thự, liền kề dự án Hà Đô Charm Villas (huyện Hoài Đức) đang dao động từ 120 đến hơn 140 triệu đồng/m2, tăng khoảng hơn 30% trong vòng 1 năm qua.

Tại khu vực quận Hà Đông, nhà liền kề khu đô thị Geleximco ven đường Lê Trọng Tấn đang có giá rao bán trên dưới 200 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng 90% trong vòng 1 năm và gấp đôi so với giai đoạn COVID-19.

Theo các chuyên gia, giá rao bán biệt thự, liền kề tại Hà Nội tăng mạnh vì "ăn theo" giá chung cư đã bị đẩy cao. Bên cạnh đó, giá tăng còn do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng lớn. 

Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản EZ dẫn chứng: Từ đầu năm đến nay các dự án chung cư mới phía Tây liên tục ra mắt với mặt bằng giá 60 - 80 triệu đồng, thậm chí xấp xỉ 100 triệu đồng một m2, khiến nhà đầu tư các dự án thấp tầng xung quanh muốn nâng giá. 

Ngay theo đó, nhiều khu biệt thự liền kề khu Tây cũng rục rịch tăng giá trở lại nửa đầu năm nay, dù cùng kỳ năm ngoái nhiều nhà đầu tư phải giảm giá 15 - 20% để thoát hàng trước áp lực lãi vay.

Một nguyên nhân nữa khiến giá biệt thự, liền kề tăng là do chịu tác động của quy định mới từ các luật liên quan. Ví dụ giá đền bù đất sẽ dựa trên giá thị trường khiến giá sơ cấp có thể bị đẩy lên cao. Hay việc nới lỏng quy định về quyền sở hữu nhà đất cho Việt kiều cũng được kỳ vọng sẽ thu hút lượng kiều hối lớn, thúc đẩy nhu cầu tăng mạnh, tạo điều kiện để giá bán nhà liền kề, biệt thự được duy trì ở mức cao.

Bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam phân tích: Giá nhà liền kề, biệt thự trong thời gian qua đã bị đẩy lên rất cao do nguồn cung của phân khúc này không nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm mới hiện đều được phát triển ở phân khúc cao cấp hơn, nên giá cũng tăng cao.

Bà Miền đánh giá, nguồn cung phân khúc trong ngắn hạn sẽ tiếp tục hạn chế do ách tắc về pháp lý. Vì thế từ nay tới năm 2025, giá bán nhà liền kề, biệt thự sẽ khó giảm mà đi ngang hoặc tăng nhẹ.

Theo chuyên gia này, khi giá liền kề, biệt thự đang ở ngưỡng cao, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng. "Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn giao thoa, nên các vấn đề đều nhạy cảm và sẽ có rủi ro rình rập. Người mua nên xem xét kỹ lưỡng về tiềm năng tăng giá của căn nhà, nếu dùng đòn bẩy tài chính cũng cần tính toán tới khả năng chi trả", bà Miền đưa ra lời khuyên.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay nhiều nhà liền kề, biệt thự đang bị đẩy giá lên quá "ảo", không đúng với thực tế. Vì vậy, nếu để đầu tư thì người mua cần cân nhắc kỹ vì đây là tài sản có giá trị lớn, phân khúc này thanh khoản yếu, kén khách, khó thoát hàng.