Những thói quen lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh mãn tính và kéo dài tuổi thọ
Giữ trọng lượng cơ thể phù hợp
Giữ trọng lượng cơ thể phù hợp cũng là cách quan trọng để giúp cơ thể khỏe mạnh.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh và rút ngắn tuổi thọ. Béo phì gây áp lực cho toàn bộ cơ thể, gây viêm và rối loạn nội tiết tố. Điều đó khiến người béo phì càng dễ mắc bệnh, trong đó có các bệnh nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao, tiểu đường và một số bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, béo phì còn liên quan đến giảm sút sức khỏe tâm lý, trầm cảm, lòng tự trọng và tình trạng căng thẳng.
Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta gặp phải trong thế giới phát triển hiện nay là chúng ta sống trong môi trường thuận lợi cho tình trạng béo phì. Việc dễ dàng tiếp xúc và ăn vào các loại đồ ăn rất ngon miệng và giàu calo khiến chúng ta rất dễ bị "bẫy" hấp thụ calo quá mức cần thiết.
Những thói quen tốt giúp bạn khoẻ mạnh hơn và sống thọ hơn.
Thường xuyên vận động
Từ lâu, nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng của việc tập thể dục thường xuyên. Đặt mục tiêu tập luyện cường độ từ trung bình đến cao ít nhất 150 phút mỗi tuần trong hai hoặc ba ngày giúp rèn luyện sức bền cho người lớn tuổi, tăng mật độ xương và tính linh hoạt cơ thể.
Báo VnExpress dẫn nguồn trang SCMP cho biết, theo giáo sư Nathan Price, kỹ sư sinh học tại Viện Sinh học Hệ thống phi lợi nhuận ở Seattle, đồng tác giả cuốn The Age of Scientific Wellnes, việc suy giảm chức năng trở nên nghiêm trọng hơn khi con người già đi. Ngã do mất thăng bằng hoặc thiếu kiểm soát thường là nguyên nhân gây ra hàng loạt vấn đề, cuối cùng dẫn đến tử vong ở người cao tuổi.
Theo ông, việc luyện tập suốt đời kết hợp rèn luyện khả năng kháng lực, tập thể dục cường độ trung bình đem lại lợi ích to lớn đối với chất lượng cuộc sống và thời gian sống.
Ngủ đủ giấc
Các chuyên gia cũng khuyến nghị người trưởng thành ngủ khoảng 7 đến 8 tiếng mỗi đêm, thanh thiếu niên ngủ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm. Thiếu ngủ có thể làm đảo lộn nhịp sinh học, khiến thói quen ăn uống trở nên kém lành mạnh, dẫn đến chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn, gây ra hàng loạt loại bệnh.
Các chuyên gia khuyến nghị giữ phòng ngủ ở trạng thái "sạch" nhất có thể, tức là không chứa các thiết bị kỹ thuật số như TV, máy tính, điện thoại (nếu có thể).
Thói quen ăn uống hợp lý giúp kéo dài tuổi thọ
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Nguyễn Văn Bàng cho biết, số lượng calo cơ thể hấp thụ được qua con đường ăn uống hàng ngày và tuổi thọ có mối quan hệ với nhau. Việc ăn quá nhiều sẽ gây hại cho vấn đề tim mạch và tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường, theo đó sẽ khiến cho tuổi thọ xu hướng giảm xuống.
Muốn có sức khỏe tốt, tuổi thọ không bị sụt giảm thì mọi người nên chủ động trong việc duy trì một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và tránh ăn quá nhiều.
Vì vậy, ăn uống khoa học là một trong những yếu tố quan trọng nhất để sống thọ, sống khỏe. Việc chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng, đa dạng, không chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và chất bảo quản giúp cho cơ thể hoạt động tốt nhất có thể.
Cần đa dạng hóa khẩu phần ăn để cơ thể hấp thu tốt nhất các dưỡng chất từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Cụ thể, một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng là phải phối hợp các loại thực phẩm từ 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin, khoáng chất. Trong đó:
- Tinh bột: cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể như gạo, bắp, khoai, mì …
- Chất đạm: xây dựng và tái tạo các mô của cơ thể, bao gồm đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như các loại hạt đậu, ngũ cốc.
- Chất béo: dự trữ năng lượng và điều hòa hoạt động sống của cơ thể, bao gồm mỡ động vật hoặc dầu thực vật.
- Vitamin và khoáng chất: góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch, thường có nhiều trong rau củ và trái cây.
Một nguyên tắc cần chú ý là hãy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi thực phẩm bẩn, không được chế biến và bảo quản đúng cách là nguyên nhân gây ngộ độc và các bệnh nguy hiểm khác.
Nhớ khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhưng nhiều người thường quên và không có thói quen này. Việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện những bệnh lý nghiêm trọng giúp giảm thiểu chi phí điều trị và khả năng chữa khỏi bệnh cao hơn.
Thông qua các nội dung khám sức khỏe định kỳ, có thể biết được các vấn đề về sức khỏe thể chất, tâm lý. Các bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, tập luyện và thói quen sống khoa học. Từ đó bạn có thể lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho mình để đảm bảo chất lượng cuộc sống, phòng tránh các nhóm bệnh.